“Nếu chúng ta không nhanh chóng loại bỏ các giống cây kém chất lượng này thì việc phát triển mắc ca sẽ không thể bền vững được”. Đó là khẳng định của Giáo sư Hoàng Hòe – nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT).
Cần chặt bỏ cây mắc ca thực sinh
Để phát triển mắc ca bền vững, theo các nhà nghiên cứu Việt Nam cần tránh vấp phải những sai lầm mà các nước đi trước đã làm. Hiện nay có nhiều nước đã trồng cây mắc ca nhưng đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu không phù hợp nên sản lượng thấp. Cũng có nước hiện nay đang phải đối mặt với vấn nạn giống mắc ca kém chất lượng, điển hình là Trung Quốc. Theo GS Hoàng Hòe, những năm qua Trung Quốc phát triển mắc ca rất mạnh, năm 2012, Trung Quốc có 16.513ha mắc ca. Họ đặt mục tiêu phát triển đến năm 2020 là 50.000ha mắc ca. Vậy nhưng hiện nay 50% số cây mắc ca của Trung Quốc là kém chất lượng, giống lai tạp không kiểm soát được, đây là vấn đề nan giải mà họ đang loay hoay giải quyết”.
Ông Bùi Hữu Hòa, nông dân huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 2014 thu được 295 triệu đồng từ mắc ca cho biết: “Không chỉ có giống thực sinh, hiện nay nhiều nông dân trồng mắc ca ở huyện Lâm Hà còn bị lừa và mua phải giống mắc ca mắt ghép giả. Cây mắt ghép giả nhân rất nhỏ có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép thật có giá 70.000 đồng một mắt ghép. Nhưng mắt ghép thật chỉ 3 năm là cho trái trong khi mắt ghép giả 5-7 năm mới cho trái nhưng sản lượng rất thấp, thậm chí còn không cho trái. Như vậy coi như nông dân mất trắng. Vì vậy cơ quan chức năng cần phải khuyến cáo bà con về cây giống”.
Sẽ kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống
TS. Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: “Giống mắc ca thực sinh (trồng từ hạt), giống mắc ca mắt ghép giả cho năng suất chất lượng rất kém, đây là điều đáng lo ngại nhất cho việc phát triển mắc ca bền vững. Vấn đề quan trọng then chốt đó là khâu làm giống, quản lý giống, nếu không quản lý chặt chẽ nguồn giống sẽ dẫn tới việc không kiểm soát được chất lượng và giống tốt giống kém lẫn lộn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Vì vậy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước và các bộ ban ngành liên quan cần phải được phát huy, làm sao để nông dân tiếp cận được nguồn giống chất lượng.
Về chất lượng giống mắc ca, ông Quách Đại Ninh – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) thừa nhận: “Việc hơn một nửa diện tích mắc ca sử dụng giống thực sinh là một nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển mắc ca bền vững. Để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc mắc ca, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống”.