Thưa anh, tại sao nhóm thực hiện chương trình lại chọn phía tây dãy Trường Sơn làm địa điểm để thực hiện loạt ký sự rất công phu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này?
- Chúng tôi muốn kể lịch sử theo một hướng mới mẻ, câu chuyện chiến tranh 40 năm trước ở phía đông dãy Trường Sơn đã được khai thác rất nhiều. Vì vậy có lẽ nhiều người sẽ quan tâm rằng những người dân Lào và Campuchia đã ra sao sau 40 năm kết thúc cuộc chiến? Chúng tôi đi trong vòng gần 3 tuần, gần như suốt dọc biên giới phía đông của Lào và Campuchia, tức là phía tây dãy Trường Sơn và phía tây Nam Bộ của Việt Nam.
Đó là khu vực mà nước Mỹ ném xuống một lượng bom khổng lồ. Riêng phía đông Campuchia thì Mỹ ném xuống 2,7 triệu tấn bom, nhiều hơn tổng số bom quân đồng minh ném trong thế chiến thứ 2, tính cả bom nguyên tử. Nó là kết quả của hàng trăm, hàng nghìn chuyến bay B52 rải thảm. Nơi này hứng bom nhiều như thế vì đó là đường vòng cho kênh vận chuyển của bộ đội Việt Nam. Nói như Tổng thống Mỹ Nixon khi ông ấy quyết định thực hiện chiến dịch đó, vì lo sợ ảnh hưởng của Bắc Việt lên khu vực này.
Điều gì khiến anh cảm thấy khó quên được trong suốt chuyến đi thực hiện ký sự?
- Hình ảnh tôi ám ảnh nhất trong chuyến đi chính là quyển sổ liên hệ công tác ở đây. Nó gần giống như mọi quyển sổ liên hệ khác của nước ta: Có tên tuổi, có cơ quan, có mục đích đến làm việc. Nhưng vì đấy là quyển sổ đi vào bãi bom nên bên cạnh tên người còn có một mục là nhóm máu. Mỗi người chúng tôi ghi đại một nhóm máu khác nhau. Tôi viết AB, Gia Hiền thì O, để nếu cần tiếp máu thì cũng tiện.
Tôi nghĩ, nếu chẳng may bom nổ, thì kiểu khai đại khái như thế chả phục vụ được cho công tác nhận dạng thi thể. Trước đấy anh em chúng tôi không hề sợ gì, vẫn chụp ảnh trước biển cấm bước vào bãi bom. Nhưng khi khai nhóm máu rồi thì bắt đầu thấy khác, bước vào con đường mòn đó thì bắt đầu thấy sợ hãi...
Còn những người mà anh đã gặp, điều ấn tượng nhất là gì?
- Hình ảnh chúng tôi ấn tượng nhất là về những con người cho đến hôm nay họ vẫn phải đi gỡ bom trên đất Campuchia. Nước bạn có một lực lượng dân sự để đi gỡ bom. Ở Việt Nam thì lực lượng gỡ bom chủ yếu là bộ đội công binh. Khi vào trong bãi mìn rồi, nói chuyện với người dò mìn, thấy họ hầu hết là những người đứng tuổi.
Họ cứ đi từ phía tây sang phía đông Campuchia suốt 20 năm. Bắt đầu từ những bãi mìn nguy hiểm hơn là bãi mìn Polpot rải khi trốn chạy, rồi đến các bãi bom mìn phía đông. Có những người 20 năm qua sống xa nhà. Khi tôi nói chuyện với một người rà phá bom từng học tại Việt Nam, ông ấy đã quên gần hết tiếng Việt rồi. Tôi nói chuyện bằng tiếng Anh, hỏi ông ấy là đi như thế này thì con cái có nhớ bố không? Ông ấy cũng nói bằng tiếng Anh, bảo là con cái quên mất tôi rồi. Sau đấy, ông ấy ngẫm nghĩ và nói một câu bằng tiếng Việt: “Tiếng Việt thì gọi là bình thường”.
Tôi rất ám ảnh câu nói đó. Cái “bình thường” ấy có thể hiểu nghĩa là tác động của chiến tranh vẫn còn, có nghĩa ông ấy vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, những người rà phá bom mìn vẫn chưa thực sự có hòa bình.
Khi sang nước bạn làm phim, tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người, anh thấy họ nghĩ gì về Việt Nam?
- Công việc của chúng tôi khá thuận lợi vì những tổ chức rà phá bom mìn ở Campuchia hơi khác các cơ quan công quyền. Họ là một tổ chức được lập ra để xin tiền tài trợ, nên họ rất cởi mở. Là một cơ quan chính phủ nhưng nó gần như một tổ chức phi chính phủ (NGO). Họ muốn quảng bá thêm hình ảnh của mình để có thêm tài chính tiếp tục hoạt động. Lãnh đạo một chi nhánh nhỏ ở đấy tâm sự là nếu ngày mai công việc kết thúc thì tôi chỉ muốn có một trang trại nhỏ, để trồng xoài thôi, không muốn làm anh hùng, không muốn là người rà phá bom mìn nữa.
Thời gian cùng sát cánh với Việt Nam để kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua quá lâu, song có những người vẫn bật khóc khi nhớ đến. Có một ông bật khóc, tâm sự: Đến bây giờ vẫn không dám kể với con cái về ký ức kinh khủng ngày đấy.
Ngôi làng bé tý mà hàng chục tấn bom Mỹ thả xuống một lúc. Nhưng ấn tượng về bộ đội Việt Nam nói chung là tốt. Một hình ảnh rất ý nghĩa nữa là ở Campuchia, người già chỉ vào đôi dép cao su tôi đang đi và nói hai chữ Hà Nội. Hà Nội chứ không phải Việt Nam.
Xin cảm ơn anh!
Xem tập 1 Phía Tây biên giới - 40 năm sau: