Dân Việt

Bừng sáng xã đảo Thạnh An

TÂN TIẾN 22/04/2015 09:57 GMT+7
Sau 4 tháng thực hiện, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) chính thức đóng điện đưa điện lưới quốc gia về xã đảo Thạnh An (Cần Giờ). Đây cũng là công trình trọng điểm mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Sau năm 1975, trong cuộc sống hàng ngày, người dân xã đảo chúng tôi thắp sáng bằng dầu lửa. Cho đến những năm gần đây, dân xã đảo mới có điện sử dụng nhưng cũng từ máy phát chạy dầu diesel... Có điện quốc gia, người dân sẽ mua máy mở xưởng sản xuất phục vụ nghề cá hoặc mở các dịch vụ khác”- ông Trần Văn Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An nói.

40 năm mới có điện quốc gia

img
Lãnh đạo thành phố cùng lãnh đạo ngành điện cắt băng khánh thành đưa điện về xã đảo Thạnh An.  Ảnh: Tân Tiến

Đưa tay chỉ những trụ điện mới trồng để đưa điện lưới quốc gia vào từng hộ dân, ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1963) - Trưởng ấp Thạnh Hòa, vui mừng nói: “Trước kia dùng điện từ máy chạy dầu diesel, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi đang xem bộ phim hay trên tivi thì điện cúp. Những lúc cúp điện, người dân lỡ quên tắt tivi, tủ lạnh..., đến khi điện có lại, điện áp tăng bất chợt khiến tivi, tủ lạnh, máy lạnh hư hết. Nay bà con vui lắm vì nguồn điện ổn định, người dân có thể mua sắm máy móc để sản xuất”.

 

Cũng theo ông Thanh, ở xã Thạnh An, trước đây vì sử dụng điện từ máy diesel không ổn định nên không ai dám đầu tư sản xuất, vì vậy lao động ở đây thừa nhiều. Thanh niên đến tuổi lao động, nếu không theo nghề biển, chỉ còn cách vào thành phố làm công. “Chúng tôi kêu gọi đầu tư nhằm tạo việc làm, giải quyết lao động dư thừa, giúp người dân phát triển kinh tế nhưng các doanh nghiệp đều lắc đầu vì lấy đâu ra điện ổn định mà sản xuất” - ông Thanh nói. Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC Phạm Quốc Bảo chia sẻ mong muốn, nguồn điện lưới quốc gia công suất lớn, liên tục, chất lượng điện ổn định sẽ là nguồn động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch của đảo Thạnh An, đồng thời góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt đời sống xã hội của nhân dân xã đảo.

Thay đổi diện mạo nông thôn mới

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An, toàn xã có 1.159 hộ dân, với 4.689 khẩu, sống tại 3 ấp, trong đó vẫn còn 335 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 27%). Người dân sống chủ yếu bằng 2 ngành nghề: Khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Dự án cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia về xã đảo đã góp phần đưa xã Thạnh An hoàn thành 19 tiêu chí. “Địa phương đã báo cáo lên trên để đề nghị công nhận xã nông thôn mới. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư để phát triển các mặt tại địa phương” - ông Tuấn khẳng định.

Được biết, Thạnh An là xã cuối cùng được cấp điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ 100% người dân thành phố được sử dụng điện. Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Trước kia tại xã cũng có 4 trạm phát, nhưng điện không đủ cung cấp cho người dân, nay có điện lưới quốc gia, tôi tin rằng sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - dịch vụ…, của xã đảo Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung”.

Nâng mức tiêu thụ điện trong dân

Công trình “tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển” có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án gồm các hạng mục: Kéo tuyến cáp ngầm dài 5.875m xuyên biển (từ thị trấn Cần Thạnh ra xã đảo Thạnh An); xây mới 2 trạm ngắt 22kV (kiểu trạm không người trực, thao tác từ xa), giúp người dân nâng mức tiêu thụ điện bình quân từ 300 kWh/người/năm lên 900 kWh/người/năm.