Tái mắc vì bỏ điều trị
Bệnh nhân lao cần kiên trì trong quá trình điều trị bệnh. |
Nằm điều trị tại khoa Lao, BV Lao và bệnh phổi T.Ư, ông Nguyễn Ngọc Trung, 51 tuổi (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, cách đây 5 năm, ông đã từng mắc lao phổi. Sau hơn một tuần điều trị tại BV, các bác sĩ cho xuất viện uống thuốc tại nhà.
Sau 4 tháng uống thuốc, thấy sức khỏe trở lại bình thường, nên ông tự ý ngừng không uống thuốc tiếp. Gần đây thấy cơ thể có các triệu chứng ho, sốt, khó thở nên ông nhập viện khám lại. Kết quả khám lâm sàng cho thấy ông bị tái mắc lao kèm tràn dịch màng phổi.
Chị Phạm Minh Anh (27 tuổi, Ninh Trực, Nam Định) cũng từng mắc lao cách đây 3 năm. Chị nhớ lại: “Sau 3 tháng điều trị, tôi thấy người lên cân, không còn bị ho kéo dài, da dẻ hồng hào nên nghĩ mình đã khỏi bệnh, lại muốn có con nên tự ý bỏ không uống thuốc”.
Tháng trước, chị thấy ho nhiều về chiều, đôi khi ho ra máu nên đi kiểm tra. Các bác sĩ kết luận chị tái phát lao và bị đa kháng thuốc. Hiện chị được áp dụng phác đồ điều trị mới, nhưng khả năng thành công chỉ là 50-60%, và phải điều trị từ 18-24 tháng.
Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Phượng - Trưởng khoa Lao cho biết, thời gian điều trị lao thường kéo dài 6-8 tháng, kết hợp nhiều loại thuốc nên nhiều người không đủ kiên trì, tự ý bỏ điều trị dẫn đến thất bại trong việc điều trị. Đây là một trong những nguyên nhân tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao.
Ngoài ra, ở những người bị suy giảm miễn dịch như: HIV/AIDS, đái tháo đường, nghiện rượu hoặc dùng corticoid dài ngày... đây là nhóm nguy cơ tái phát cao. Hiện có rất nhiều bệnh nhân bị mắc lao tái phát phải vào viện điều trị lại. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 15-20 bệnh nhân lao.
Nhiều biến chứng từ lao tái phát
Lao là căn bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên tỷ lệ lây nhiễm cao. Bệnh thường bùng phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch. Dấu hiệu cơ bản của bệnh là ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi. Ngoài ra có thể có biểu hiện ăn uống kém, sút cân hoặc ra mồ hôi trộm, ho ra máu, đau ngực hoặc khó thở.
Tiến sĩ Phượng cho biết, ở những bệnh nhân lao tái phát, khi điều trị lại gặp rất nhiều khó khăn. Những người mắc lao và được điều trị lần đầu tiên sẽ theo quy trình 6 đến 8 tháng, nhưng khi bệnh tái phát, người bệnh phải tuân thủ quy trình 8 tháng với 5 loại thuốc điều trị lao.
Việc tái trị không còn đơn giản như lần điều trị đầu do tổn thương phổi rộng, có thể khó thở, suy hô hấp, ho ra máu nặng, thể trạng suy kiệt nặng. Khi điều trị, bệnh nhân cũng dễ bị tác dụng không mong muốn của thuốc như viêm gan do thuốc lao, suy thận hoặc có những dị ứng nổi mề đay, tổn thương trên da rất nặng.
Ở những người mắc lao tái phát, nguy cơ đa kháng thuốc cao hơn. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao tái phát cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với lao mới.
Điều nguy hiểm là bệnh nhân lao tái phát dễ lây bệnh ra cộng đồng. Tiến sĩ Phượng khuyến cáo: “Khi mắc bệnh lao, người dân không nên giấu bệnh, cần phải ho khạc và xử lý đờm đúng cách để tránh lây lan cho những người xung quanh. Khi tiếp xúc ở nơi đông người nên đeo khẩu trang, phòng ngừa lây nhiễm”.
Minh Nguyệt