Anh Giang kể: “Năm 1990, khi bắt tay vào làm trang trại, vùng đất này còn khô cằn, sỏi đá. Trước khi làm, tôi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi các mô hình làm kinh tế trang trại tổng hợp ở nhiều nơi để chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với trang trại của mình".
Khu nuôi lợn của anh Giang. |
Tuy nhiên, do kiến thức chưa nhiều, năm 2008, một tuần nhà anh mất 13 con lợn nái, đồng thời dịch bệnh gia cầm khiến cho anh mất gần 1 tấn ngan, gà và gần 2 tấn cá. Không khuất phục, anh quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa trị. Anh đến một số trang trại học hỏi nhiều kinh nghiệm, đồng thời xin tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y do Hội ND huyện tổ chức. Có kiến thức, anh tiếp tục hoàn thiện trang trại của mình.
Hiện nay, trong số 30ha trang trại, anh dành 5ha đất trồng quế, 7ha đất trồng keo, bồ đề, 1ha trồng chè, 7 sào ao nuôi cá, diện tích còn lại anh trồng ngô, sắn và nuôi 180 con lợn... Ngoài khoản lãi hơn 500 triệu đồng/năm, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Anh Giang chia sẻ: “Từ những thất bại và thành công, tôi thấy làm trang trại tổng hợp là hướng đi phù hợp với điều kiện của địa phương và gia đình”. Về kinh nghiệm trong chăn nuôi, theo anh Giang, anh đã thành công là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chuồng trại sạch sẽ, giống khỏe mạnh, nếu nhập giống phải cách ly đúng quy định. Thức ăn phải đúng định lượng của từng giai đoạn, phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm... Không chỉ làm giỏi, anh Giang luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm giàu với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi muốn thanh niên quê tôi làm giàu trên chính quê hương mình”.
Hà Dung - Trang Lê