Sau “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 14.11.1945” Bác Hồ ra lời kêu gọi “Nhân tài kiến quốc”. Bác dùng ngay khái niệm nhân tài gắn với kiến quốc. Để kiến thiết quốc gia, lực lượng đầu tiên có thể gánh vác trọng trách ấy chính là nhân tài: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng phát triển, càng thêm nhiều”.
Ngày 20.11.1946, trong chỉ thị “Tìm người tài đức” Bác viết: “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”.
Biết trong dân gian còn có người tài đức chưa được trọng dụng, có thể do Chính phủ chưa tạo điều kiện hoặc chưa làm hết sức mình để thuyết phục người tài ra giúp nước giúp dân, nên Bác viết những lời tự kiểm chân thành, sâu sắc: “E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi các bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Bác không kêu gọi chung chung, mà chỉ đạo cụ thể, bám sát thực tiễn, tìm cho bằng được người tài trong từng lĩnh vực. Kháng chiến, kiến quốc đòi hỏi có nhiều người giỏi của nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, y tế, giáo dục, nông nghiệp, cho nên Bác lưu ý: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ, tên tuổi, tài năng, nghề nghiệp, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng các cơ quan, địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Sau những lời kêu gọi của Bác, những trí thức lần lượt xuất hiện, tham gia phục vụ đất nước. Chính phủ mở rộng cửa đón nhận, không phân biệt xuất thân, thành phần. Đó là những trí thức hàng đầu đã có những đóng góp rất to lớn cho quốc gia mà thế hệ sau mãi mãi còn ghi nhận, đó là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa…
Những lời viết ra trong hai văn bản cầu hiền của Hồ Chí Minh cho thấy tầm nhìn của một bộ óc vĩ đại, “Tầm nhìn lãnh tụ”, có giá trị cho mọi thời đại. Thời kỳ đó nước Việt Nam có 20 triệu người, chất lượng dân trí còn thấp, nhưng Bác Hồ khẳng định không thiếu người tài.
Nay Việt Nam có 90 triệu người, trong một thời đại của khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, đất nước hội nhập trong “thế giới phẳng”, thì chắc chắn nhân tài rất nhiều. Nhân tài nhiều nhưng dân chưa giàu, nước chưa mạnh là do không sử dụng hết nguồn lực quý giá đó, là “nghe không đến, thấy không khắp”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học những tư tưởng tầm cao của Bác, trong đó có bài học về trọng dụng nhân tài.
Chân Tâm