Ngày 22.4, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) đã thông báo về kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine cúm A/H5N1.
Sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Liều cao vaccine này đã được chứng minh là có miễn dịch, theo các phương pháp thử tiêu chuẩn. Đợt thử nghiệm lâm sàng này do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Nghiên cứu này đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch với các liều khác nhau trên người trưởng thành khỏe mạnh.
Tổng cộng có 75 người nam và nữ khỏe mạnh từ 18 đến 30 tuổi tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, mù kép, ngẫu nhiên, thử nghiệm có đối chứng với giả dược.
Mỗi đối tượng nhận được hai mũi tiêm IVACFLU-H5N1: liều cao hoặc liều thấp, hoặc liều giả dược đệm muối Phosphate (PBS). 32 người tình nguyện được nhận liều cao IVACFLU-H5N1 ở mức 15mcg/0,5ml và 31 người tình nguyện được nhận liều thấp ở mức 7,5mcg/0,5ml. 12 người tình nguyện được nhận giả dược. Kết quả đã chứng minh vaccine dự tuyển này dung nạp tốt và sinh miễn dịch.
Tại lễ công bố, TS Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC khẳng định: “Vaccine IVACFLU-A/H5N1 đủ điều kiện sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 2 và 3”.
Ông Bé cũng mong muốn được tiếp tục hợp tác với những người bạn đồng nghiệp để tiến tới vaccine dự tuyển này được cấp phép và sản xuất trên quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp trong khu vực và trên toàn cầu trong tình huống đại dịch xảy ra.
Theo TS Bé, cúm mùa gây ra 250.000 đến 500.000 ca tử vong và lên đến 5 triệu ca bệnh nặng mỗi năm. Nếu xuất hiện một chủng có độc lực cao gây đại dịch, cúm có thể gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Việt Nam ghi nhận trên một triệu ca bệnh giống nhiễm cúm mỗi năm và cũng đã xuất hiện một số ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 - những ca bệnh có nguy cơ tử vong cao. Chủng cúm này đang được theo dõi để xem liệu rằng nó có thể biến đổi thành một biến thể virus mới lan truyền ở người và có thể gây đại dịch trong tương lai hay không.
Những nỗ lực của IVAC trong việc nghiên cứu, thử nghiệm để có thể sản xuất vaccine cúm A/H5N1 tại Việt Nam không những có lợi cho người dân Việt Nam (những người chưa có nguồn cung cấp ổn định vaccine cúm sản xuất trong nước) mà còn tiến đến cung cấp vaccine cho trong khu vực và trên thế giới trong tình huống đại dịch xuất hiện.
Theo WHO, nguồn lực sản xuất và phát triển vaccine cúm của thế giới hầu như chỉ giới hạn ở một vài các nhà sản xuất, việc sản xuất vaccine toàn cầu hiện nay rơi vào tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu và khiến cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp không thể tiếp cận được các công cụ bảo vệ sinh mạng. Sự tham gia nhiều hơn nữa của các nhà sản xuất vaccine như IVAC rất quan trọng khi có đại dịch.