Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ lo ngại tại buổi gặp mặt báo chí chiều nay (23.4).
Theo ông Phu, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh năm 2014 chỉ đạt 55,4%. Trong đó, các cơ sở y tế ở tuyến huyện đạt tỷ lệ cao hơn tuyến tỉnh và trung ương. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ này càng đạt thấp, trong khi số trẻ được tiêm các mũi vắc-xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại khá cao…
Người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B. (Ảnh: Diệu Thu)
Ông Trần Đắc Phu cho biết, người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin. Ngoài ra, một số bệnh viện chưa triển khai quyết liệt hoặc ngần ngại khi triển khai, thậm chí còn có cán bộ tiêm chủng sợ tiêm vắc-xin này.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực.
“Vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm, nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, GS Đặng Anh Đức thông tin.
Cũng theo TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mà mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần.
“Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vaccine mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai”, TS Dương Thị Hồng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-cin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.
Sắp đưa vắc-xin ngừa sởi - rubella vào tiêm chủng mở rộng
Theo GS Đặng Đức Anh, trong năm 2015, Bộ Y tế sẽ đưa thêm vắc-xin sởi – rubella vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng tuổi với mục tiêu đạt tỉ lệ trên 90%.
Ngoài ra, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai tiêm vắc-xin bại liệt bất hoạt (IPV) chotrẻ dưới 1 tuổi. Dự kiến sẽ áp dụng từ quý IV/2015. Dự kiến, mỗi năm sẽ có gần 1,7 triệu trẻ được tiêm vắc-xin này.
PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế không ghi dịch bệnh sởi, rubella tại Việt Nam mặc dù dịch sởi vẫn đang được ghi nhận tại các nước các phát triển như Mỹ, Canada và một số nước khu vực Châu Âu thời gian qua.
Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” do Tổ chức WHO khu vực Tây Thái Bình Dương phát động từ ngày 24-30.4, với chủ đề “Chung tay cùng Tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức lễ mít-tinh Tuần lễ tiêm chủng tại Bắc Giang sáng 24.4.
Sự kiện này nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tiêm chủng để huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp cho hoạt động tiêm vắc-cin phòng bệnh. Sự kiện cũng nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.