Dân Việt

Lừa đảo, móc túi người dân qua thu phí vệ sinh

Minh Phong - Lê An 24/04/2015 07:22 GMT+7
Một số đối tượng sử dụng hóa đơn giả, mạo danh nhân viên Công ty Môi trường Đô thị (MTĐT) hoặc dùng thủ đoạn nhập nhằng thu vượt quá số tiền in trên vé vệ sinh để “móc túi” người dân Thủ đô trong việc thu phí vệ sinh môi trường.

Giả mạo hóa đơn thu tiền

Ngày 22.4, chị Bùi Thu Hương ở tổ dân phố Đình (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, trong bữa cơm chiều gia đình nói chuyện về các loại phí, chồng chị cho biết cách đây vài tuần anh đã nộp phí vệ sinh là 265.000 đồng (cả năm 2014 cho gia đình 4 người)... Chị Hương tá hỏa bởi trước tết cũng đã có người đến thu phí vệ sinh của gia đình chị với số tiền là 288.000 đồng, cũng nói là tiền vệ sinh năm 2014.

Chị Hương kể: “Tôi nhớ rõ khoản tiền này vì người tới thu tiền còn tính cho tôi là gia đình tôi 4 người, phí là 6.000 đồng/người/tháng, nhân lên là 288.000 đồng. Tôi thấy hợp lý nên không nghi ngờ gì mà đóng luôn”.

img
Ảnh nhỏ: Người dân nên yêu cầu nhân viên thu phí xé đủ số lượng vé đúng với số tiền phải nộp.
img
Ảnh lớn:  Nhiều hộ dân ở Hà Nội đã bị lừa đảo, “móc túi” qua việc thu phí vệ sinh (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Khi kiểm tra hóa đơn thì chị Hương cho biết không lưu hóa đơn chị đã thanh toán, còn hóa đơn của chồng chị thì có logo của Công ty MTĐT và được xác nhận đó mới là hóa đơn “chuẩn”. Vì không có hóa đơn đối chiếu nên chị không có thông tin về đơn vị thu tiền mà chỉ nhớ mang máng “người đi thu tiền là nữ, tầm 50 tuổi và đội nón ngay cả buổi tối”.

Hỏi lại hàng xóm, chị Hương cho biết có 2 gia đình nữa cũng bị thu 2 lần mà không phát hiện ra. Tuy nhiên, khi kiểm tra hóa đơn thì các gia đình này cũng không lưu hóa đơn phí vệ sinh mà chủ yếu lưu hóa đơn điện, nước (để kiểm tra lại số điện, số nước hàng tháng).

Tại quận Cầu Giấy, một số người dân cũng phản ánh có người từ Công ty Kiên Thái mang phiếu thu có đóng dấu vuông đến thu tiền vệ sinh 360.000 đồng/năm. Trong khi, nhân viên của Công ty Môi trường Tây Đô thường đến thu theo quý với mức 72.000 đồng bằng biên lai có dấu giáp lai. Trong trường hợp này, Công ty Môi trường Tây Đô là đơn vị được phép thực hiện thu phí vệ sinh tại khu vực trên. Còn người cầm phiếu thu mang tên Công ty Kiên Thái là giả mạo, lừa đảo.

Ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi nhận được thông tin có hiện tượng mạo danh nhân viên MTĐT đi thu phí vệ sinh từ đầu năm 2014. Lợi dụng ý thức cảnh giác chưa cao của người dân, các đối tượng này giả danh, đưa hóa đơn không phải của công ty để thu tiền và thi thoảng lại tiến hành hoạt động ở một khu vực khác nhau”.

Nhập nhèm để ăn chênh lệch

Bên cạnh hiện tượng giả danh kể trên, hiện còn xuất hiện trường hợp một số nhân viên thu phí vệ sinh nhập nhèm trong việc thu phí theo vé để hưởng mức tiền chênh lệch.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết vừa qua đã kiểm tra, xác minh một vụ việc thu tiền sai quy định tại Xí nghiệp MTĐT huyện Thanh Trì. Cụ thể, ở khu vực này nhân viên đi thu tiền sẽ đưa cho người dân "Vé vệ sinh", trên đó có in sẵn các mệnh giá khác nhau. Nhưng thực tế, khi đến thu tiền của người dân, nhân viên thuộc Xí nghiệp MTĐT huyện Thanh Trì đã gạch số tiền in sẵn ở phần mệnh giá và thu cao hơn. Ví dụ, vé mệnh giá 45.000 đồng hay 18.000 đồng đều gạch đi và người dân đều phải nộp 108.000 đồng.

Ông Lê Trung Dũng cho biết: “Vụ việc đã được xác định là có thật và chúng tôi đã yêu cầu kỷ luật hai nhân viên thu phí”.

Để phòng tránh trường hợp các đối tượng mạo danh người của công ty đến thu phí, ông Dũng đề nghị: "Nếu người đến thu tiền không mặc đồng phục, không có biển hiệu, hóa đơn đúng quy định của công ty thì người dân không nên nộp tiền và báo ngay cho các cơ quan chức năng".

Ông Dũng cho hay: Hiện trong khu vực 4 quận nội thành, công ty sử dụng hóa đơn được in đầy đủ thông tin, hóa đơn được đóng dấu giáp lai. Một số đơn vị chi nhánh chưa dùng mẫu hóa đơn in sẵn thì trên hóa đơn phải ghi rõ số người trong gia đình, số tiền cần đóng theo quy định (6.000 đồng/người/tháng).

Ở các đơn vị ngoại thành và ở vùng nông thôn hiện đang thực hiện thu theo vé vệ sinh được in sẵn mệnh giá tiền. Ông Lê Trung Dũng cho hay: “Người dân cần lưu ý, gia đình có bao nhiêu người, số tiền phải nộp bao nhiêu thì yêu cầu nhân viên đến thu xé đúng, xé đủ số lượng vé theo số tiền phải nộp. Ví dụ, xé 1 vé 45.000 thì chỉ nộp 45.000 đồng, số tiền 90.000 đồng  thì phải xé 2 vé...”.