Dân Việt

Từ ban ơn sang phục vụ

Chân Tâm 24/04/2015 06:31 GMT+7
“Bộ Y tế quyết tâm đổi mới nhận thức của đội ngũ y – bác sĩ, chuyển từ ban ơn cho người bệnh sang phục vụ, lấy người  bệnh làm trung tâm với sự hài lòng của người bệnh là số một”.

PGS -TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu như vậy tại hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế” diễn ra ngày 22.4. Đây là quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá trong hoạt động khám chữa bệnh. Đúng là từ trước đến nay, bác sĩ xem bệnh nhân là người đến cầu xin sự giúp đỡ của y bác sĩ. Chính bệnh nhân cũng có suy nghĩ bác sĩ khám bệnh cho mình là một sự ban ơn.

Vì sao có nhận thức này, đó là do xã hội chưa có cái nhìn đúng đắn trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và cơ sở y tế, trong đó có y – bác sĩ. Thử hỏi, nếu không có bệnh nhân, bệnh viện có tồn tại được không? Hoặc nếu có môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế, thì liệu bác sĩ có tự coi mình là người ban ơn hay không?

Nhưng trong điều kiện y tế Việt Nam, chủ yếu là bệnh viện công, chi phí khám chữa bệnh thấp, cho nên đúng là người bệnh xem bác sĩ là người ban ơn. Đặc biệt đối với người nghèo, người dân vùng nông thôn, được vào bệnh viện để điều trị có khi là điều vô cùng may mắn. Bệnh nhân nghèo tự thấy có khoảng cách với bác sĩ, những ứng xử theo cách kẻ ban ơn, người hàm ơn dần dần hình thành trong cộng đồng, xóa bỏ không phải dễ.

Cho nên, chủ trương thay đổi nhận thức từ ban ơn sang phục vụ của ngành y tế là rất đúng, nhưng đổi tượng chủ yếu thực hiện chủ trương này chính là y bác sĩ. Bệnh nhân nào cũng mong muốn được phục vụ tốt, được bình đẳng trong quan hệ khám chữa bệnh. Nhưng thực tế không phải đồng hành với mong muốn của con người. Bởi vì vấn đề là bác sĩ có chịu để mất đi vị trí của người bề trên hay không?

Tuy nhiên, về phía bệnh nhân, cũng cần thay đổi nhận thức để góp phần thực hiện được chủ trương đổi mới của ngành y tế. Bác sĩ thay đổi thái độ phục vụ thì bệnh nhân cũng phải có sự thay đổi về sự ứng xử. Bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa bệnh, nếu gặp điều chưa hài lòng, thì cũng cần có sự trao đổi, chia sẻ đúng mực. Bệnh nhân và người nhà không thể mắng chửi, thậm chí hành hung bác sĩ như nhiều trường hợp từng xảy ra. Một xã hội văn minh không có chỗ cho những hành động bạo lực, nhất là trong các bệnh viện, nơi chỉ có tình thương và sự chăm sóc, ủi an.

Một điều căn bản để cho tuyên bố của ngành y tế thành hiện thực, đó là có hệ thống kiểm tra giám sát chặt chẽ để đảm bảo hạn chế tối đa trường hợp bác sĩ hành nghề theo kiểu ban ơn. Nếu không kiểm tra và xử lý các sai phạm, thì mãi mãi nhưng tuyên bố trên chỉ là khẩu hiệu.