Chiếc kính mang tên Handi Glass, sản phẩm giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin là sáng chế của hai sinh viên khoa Điện tử Viễn thông (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) Lê Anh Tiến và Nguyễn Huỳnh Nhật Thương.
Lê Anh Tiến (trái) và Nguyễn Huỳnh Nhật Thương, tác giả của kính thông minh Handi Glass.
Hóa thân để sáng chế
Đầu năm 2014, Tiến và Thương đến thăm Trung tâm khuyết tật ở Huế. Cả hai có cơ hội tiếp xúc với người khuyết tật đang mưu sinh bằng nghề làm thiệp ở đây. Tiến lặng đi khi nghe tâm sự và cảm nhận nỗi buồn của người bạn khuyết tật qua nhịp kéo cắt thiệp đều đều của đôi chân: “Anh bạn nói với tôi, sự khiếm khuyết của cơ thể không khiến anh ấy buồn và mặc cảm bằng sự khiếm khuyết của tâm hồn. Anh muốn cuộc đời mình như những tấm thiệp, được tỏa đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Không có đôi tay, anh bị hạn chế rất nhiều trong công việc và cuộc sống”.
Khát khao được tiếp cận với thế giới thông tin của người bạn khiến Tiến và Thương trăn trở. Là dân công nghệ, cả hai ý thức được ý nghĩa, vai trò của công nghệ thông tin với người khuyết tật. Thương chia sẻ: “Với chiếc máy tính nối mạng, tất cả chúng ta bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Người khuyết tật cũng sẽ đặt chân đến những miền đất mới lạ, bổ sung tri thức, thiết lập quan hệ chỉ trong một cú nhấp chuột. Điều ấy đồng nghĩa với sự giàu có, mở rộng của tâm hồn”. Tiến và Thương tin rằng công nghệ thông tin còn mở ra cơ hội việc làm, nâng cao vị thế người khuyết tật.
Tuy nhiên, khuyết tật vận động, cụ thể là khuyết tật tay lại cản trở quá trình tiếp cận thông tin. Vì vậy, cả hai nghĩ đến việc sáng chế thiết bị giúp người khuyết tật tay có thể sử dụng được máy tính.
Tham khảo trên mạng, hai chàng trai biết đến nhiều giải pháp điều khiển máy tính dành cho người khuyết tật tay trên thế giới. Samsung có giải pháp kính thông minh. Loại kính này không phổ biến ở Việt Nam và rất đắt đỏ. Tiến và Thương quyết định sáng chế loại kính “made in Vietnam” với chức năng tương tự.
Cả hai luôn đặt mình vào tâm thế người khuyết tật để sáng tạo sản phẩm. Thương cho biết: “Quá trình hóa thân khiến chúng tôi hiểu những thiệt thòi, khó khăn mà người khuyết tật phải trải qua. Sự thấu hiểu và đồng cảm là động lực thôi thúc chúng tôi không bỏ cuộc khi gặp khó khăn”.
Thiếu thông tin, công nghệ chế tạo là chất xúc tác thôi thúc cả hai đọc và tìm hiểu nhiều hơn. Nhưng khó khăn về tài chính khiến cả hai thực sự đau đầu. Để có tiền theo đuổi ước mơ công nghệ, Tiến và Thương tranh thủ làm thêm nhiều nghề.
Sau nhiều thất bại, thách thức, cuối cùng chiếc kính thông minh mang tên Handi Glass ra đời. Chiếc kính được gắn cảm biến, mạch xử lý và bộ phận truyền tín hiệu không dây. Kính kết nối với máy tính qua bộ thu tín hiệu. Handi Glass hoạt động bằng ngôn ngữ cơ thể: nháy mắt để nhấp chuột, cử động đầu để di chuyển con trỏ chuột trên màn hình máy tính.
Những phiên bản của tình yêu thương
Người khuyết tật ở Đà Nẵng là những người đầu tiên được thử nghiệm kính Handi Glass. Khi sản phẩm đi vào thực tế, Tiến và Thương tiếp tục thực hiện những cuộc khảo sát. Nhận được phản hồi là kính cồng kềnh gây bất tiện khi sử dụng và độ chính xác chưa cao, cả hai lại lao vào nghiên cứu cải tiến sản phẩm.
Nhiều tháng trời ròng rã, phiên bản thứ hai kính Handi Glass ra đời. Các nhược điểm ở phiên bản đầu tiên được khắc phục. Việc thu nhỏ bộ cảm biến, các thiết bị phát giúp chiếc kính trở nên nhỏ gọn, thời trang. Thuật toán được thay đổi tăng độ chính xác của sản phẩm.
Anh Trần Đăng Trung, Chi hội trưởng Chi hội thanh niên khuyết tật Đà Nẵng cho biết: “Kính Handi Glass giúp thanh niên khuyết tật sử dụng máy tính dễ dàng và nhanh chóng. Chúng tôi tiếp nhận thêm nhiều thông tin, thêm kiến thức, tìm kiếm được công việc phù hợp. Điều quan trọng là với chúng tôi, con đường hòa nhập vào xã hội trở nên rộng mở”.