Dân Việt

Nỗi đau tận cùng của người vợ đẻ thuê cứu chồng

Nhị Hà - Minh Vũ 24/04/2015 09:10 GMT+7
“Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng chưa khi nào tôi thôi đau đớn, ân hận mỗi khi nghĩ về “khúc ruột” mà mình phải rời bỏ...”, chị Nguyễn Hoài Th., người từng “làm nghề”... đẻ thuê chua xót chia sẻ.

Nỗi ám ảnh mang tên “100 triệu đồng"

Chị Nguyễn Hoài Th. (29 tuổi, quê ở xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) có ngoại hình khá đẹp, dáng dong dỏng, khuôn mặt cá tính, giọng nói truyền cảm. Hiện, chị đã có chồng con và đang làm kế toán cho một công ty tư nhân ở Hà Nội.

Tôi biết đến chị trong Hội Những người cần mang thai hộ ở một diễn đàn dành cho phụ nữ. Sự đồng cảm của những người mẹ đã kéo khoảng cách của chúng tôi ngắn lại. Dù khá xởi lởi nhưng khi nghe tôi nhắc đến chuyện mang thai hộ, khuôn mặt chị trùng xuống và buông một câu thõng thượt: “Nếu thật sự không quá khó khăn, vẫn còn cách kiếm tiền, tôi hy vọng sẽ không ai đi trên con đường đau đớn này”.

Chị tiếp lời: “Tôi không biết cảm giác của người khác thế nào, nhưng đã vài năm trôi qua, chưa khi nào tôi thôi day dứt, ân hận về hành động của mình. Hàng trăm lần tôi đã tự trấn áp bản thân rằng, đó không phải là con ruột, mình làm thế là vì tiền. Nhưng hình ảnh đứa con vừa dứt ruột ra, khóc ngằn ngặt khát sữa trên tay người phụ nữ khác làm tôi không cầm nổi nước mắt...”.

img
Chị Th. nói: “Đến cuối đời, tôi cũng không thể tha thứ cho bản thân mình...”.

 Nói đoạn, chị bật khóc nức nở. Ba năm trước, không may một lần tham gia giao thông, chồng chị gây tai nạn làm chết người. Gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường 200 triệu đồng nếu không sẽ khởi kiện. Hai bên nội ngoại đều nghèo khó, vay mượn khắp nơi vợ chồng chị cũng chỉ có khoảng 100 triệu đồng.

Một lần tình cờ lang thang vào topic Hội Những người cần mang thai hộ, thấy nhiều người nói sẵn sàng trả số tiền lớn cho người mang thai hộ. Chị Th. đã để lại địa chỉ mail và số điện thoại trên topic. Sau đó, có một gia đình hiếm muộn ở TP.Hải Phòng đã gọi điện và hứa trả 100 triệu đồng nếu chị đồng ý mang thai hộ. Khi “mẹ tròn con vuông”, họ sẽ thưởng thêm 20 triệu đồng nữa.

Lúc nói về ý định kiếm tiền lạ lùng ấy, chồng chị không đồng ý. Mấy ngày liền, anh đi đến nhà tất cả người quen vay mượn nhưng vẫn không đủ tiền để bồi thường. Cuối cùng, anh đành đau đớn gật đầu. Ngay sau đó, chị cùng gia đình nhà nọ đến bệnh viện. Cấy phôi vào tử cung xong, chị được họ đưa trước 70 triệu đồng...

Chị kể tiếp: “Đứa con ấy là đứa con đầu tiên của tôi. Bởi thời điểm đó, vợ chồng tôi vẫn đang kế hoạch để năm tới mới sinh. Sau khi cấy phôi, cái thai lớn dần lên. Nhìn hình ảnh con qua máy siêu âm, nghe nhịp tim thai, cảm nhận từng cái đạp nhẹ của con khiến ngày nào tôi cũng ước mình trúng xổ số. Nếu trúng số, tôi sẽ không giao đứa bé ấy đâu...”.

“Tôi chỉ được ẵm con một lần...”

Tình cảm của chị với sinh linh bé bỏng trong bụng ngày càng lớn dần lên. Lúc chuyển dạ, nhìn đôi vợ chồng kia tíu tít chuẩn bị đồ đưa chị vào bệnh viện, chị đã khóc. Chị sụt sịt kể: “Đứa bé ấy có cái môi chúm chím, hàng lông mày đen nhánh, mũi cao. Tôi được ẵm con có một lần. Nhìn con ngoan ngoãn trong vòng tay, tôi chỉ muốn ôm con chạy đi thật xa. Sinh xong, nằm trong phòng hậu sản, tôi khóc rất nhiều. Hai ngày sau, gia đình kia đưa nốt số tiền còn lại cộng với 20 triệu đồng tiền thưởng. Lúc chia tay, biết tôi lưu luyến con, họ nói: “Hãy quên đứa bé đi...”.

Chị muốn cho con bú một lần nhưng họ không đồng ý. Những ngày tiếp theo, chị sống trong nỗi cồn cào nhớ con. “Bác sỹ nói tôi bị trầm cảm sau sinh. Phải rất lâu sau đó, tôi mới lấy lại được trạng thái cân bằng. Những lúc cương sữa, tôi như điên dại muốn về Hải Phòng lục tung mảnh đất ấy lên để tìm con, để ôm ấp, vỗ về và cho con bú mớm. Dù chỉ một lần... Nhưng tôi lại chẳng có bất cứ thông tin nào về gia đình đã nhờ mang thai hộ kia. Họ đã thay đổi số điện thoại", chị nói.

Hơn hai năm sau, khi nguôi ngoai phần nào, chị đã sinh đứa con của mình. Dù vậy, tâm hồn chị chưa khi nào được lấp đầy. Mỗi lần nhìn con chơi đùa, chị lại chạnh lòng nhớ về “khúc ruột” kia và dằn vặt bản thân mình. “Với bất cứ người phụ nữ nào, dù sắt đá hay vô tình đến mấy, sau khi trao con xong cũng sẽ có những giây phút phải hối hận, dằn vặt vì việc làm của mình. Có lẽ từ giờ đến cuối đời, tôi cũng không thể nào tha thứ cho bản thân và thôi quên về đứa bé ấy”.

Chị Th. cũng cho biết, không dám thay đổi số điện thoại. Không phải vì muốn tiếp tục kiếm tiền từ việc mang thai hộ mà vì chị vẫn hy vọng, một ngày nào đó, biết đâu, vợ chồng kia sẽ gọi điện và cho chị gặp lại đứa con ấy...