Diễn biến phức tạp
Diễn biến phức tạp của SXH đang được thấy rõ nhất ở tỉnh An Giang - địa phương dẫn đầu về số ca mắc SXH trong nhiều năm qua. Bác sĩ Huỳnh Mộng Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang thông tin: “Tính từ đầu năm 2015 đến nay tỉnh An Giang có 407 ca mắc SXH, trong đó 34 ca nặng và 1 ca tử vong (tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm 2014). “Nếu như cuối năm 2014, tình trạng SXH tương đối ổn định thì ngay đầu năm 2015, SXH đã bắt đầu biến động. Từ đầu năm đến nay, An Giang đã phát hiện và đã xử lý trên 70 ổ dịch. Tập trung nhiều vẫn là ở các vùng nông thôn như: Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân…” – bác sĩ Hùng cho biết thêm.
“Khi mùa mưa bắt đầu rõ hơn (tháng 5 đến tháng 7), tình hình SXH dự báo sẽ tiếp tục biến động. Theo kinh nghiệm bản thân tôi thì đây có thể là do đuôi dịch của năm 2014 còn lại. Tuy nhiên, cũng có thể là do tính chất chu kỳ của dịch SXH ở ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng là cứ 3 - 5 năm lại xuất hiện một lần” – bác sĩ Hùng nhận định
“Đội đặc nhiệm” chống ... muỗi
Về phương pháp đối phó với dịch bệnh, bác sĩ Hùng cho biết, đang quyết liệt tập trung đẩy mạnh truyền thông. Tỉnh đã tổ chức các “đội đặc nhiệm” là cán bộ y tế xuống tận xóm ấp, đặc biệt tập trung các xã vùng nông thôn xa tuyên truyền nguy cơ lây lan bệnh, đồng thời vận động người dân nuôi cá 7 màu để diệt lăng quăng. Hiện các đội đã hoàn thành việc tới từng nhà để kiểm soát các yếu tố bùng phát dịch.
“Ở đây chúng tôi tập trung khẩu hiệu “không có muỗi, không có loăng quăng thì không có SXH” và hướng dẫn bà con hành động thiết thực là thường xuyên thả cá bảy màu vào tất cả các vật chứa nước trong nhà” – bà Trương Thị Kim Luyến - Phó Trưởng trạm y tế xã Long Điền B (huyện Chợ Mới), một trong những thành viên “đội đặc nhiệm” cho hay.
Riêng ở tỉnh Đồng Tháp, các chiến dịch diệt loăng quăng được tiến hành định kỳ thường xuyên. Đặc biệt vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi vằn, cán bộ y tế phối hợp cùng các đoàn thể đến từng nhà dân vận động và trực tiếp hướng dẫn người dân.