Chuyện hôn nhân ở Ấn Độ luôn chứa đựng các yếu tố truyền thống, mỗi yếu tố lại mang đến nét đẹp riêng cho văn hóa quốc gia. Mỗi nghi thức thực hiện trong đám cưới của người Ấn Độ đều mang ý nghĩa tâm linh độc đáo.
Chú rể vẽ sindoor cho cô dâu với ý nghĩa để hai vợ chồng sống hạnh phúc, thủy chung
Trong văn hóa của người Ấn Độ, có nhiều dấu hiệu để nhận biết một người phụ nữ đã kết hôn. Những dấu hiệu đó không chỉ giúp làm tôn thêm nét đẹp của họ mà còn là những dấu hiệu quan trọng đánh dấu một cuộc đời mới của người phụ nữ. Những dấu hiệu đó có thể là trang điểm tóc Keshapasharachana, đeo nữ trang Maang-Tikka, dấu hiệu Bindi, tục nhuộm tay Mehendi, vẽ sindoor… trong tất cả những dấu hiệu đó thì sindoor là dấu hiệu quan trọng nhất để biết một phụ nữ đã có chồng.
Màu đỏ là màu sắc được coi là biểu tượng của hạnh phúc, tình yêu và hôn nhân tại Ấn Độ. Do đó, nét vẽ sindoor màu đỏ là dấu hiệu tượng trưng cho sức mạnh và danh dự của một cô dâu Ấn Độ.
Sindoor là một biểu tượng cực kỳ tốt lành mang ý nghĩa kể từ hôm ấy cô đã kết hôn với một người đàn ông, người sẽ chăm sóc cho cô ta suốt đời và ngược lại cô cũng chăm sóc cho anh ta suốt đời.
Để thực hiện nghi thức vẽ dấu hiệu sindoor, trong lễ kết hôn, chú rể sẽ dùng bột màu điều nhuộm (loại bột màu đỏ, được biết đến với tên gọi "sindoor" ở Ấn Độ) vẽ lên đường rẽ chính giữa tóc kể từ chân tóc trên trán của cô dâu, với ý nghĩa để hai vợ chồng sống hạnh phúc, thủy chung, suốt đời bên cạnh nhau. Khi người phụ nữ mang dấu hiệu sindoor, đó là biểu lộ cho sự chung thủy của họ đối với chồng.
Sau đám cưới, người phụ nữ phải vẽ sindoor mỗi ngày trong suốt cuộc đời của họ với người chồng ấy. Người phụ nữ chỉ dừng vẽ dấu hiệu sindoor khi họ ly dị hoặc chồng mất, và nghi thức lại thực hiện tiếp tục nếu người phụ nữ tái giá.
Điều đặc biệt thú vị là ngoài ý nghĩa tâm linh, truyền thống văn hóa được truyền lại từ ngàn xưa của Ấn Độ này còn mang cả ý nghĩa sinh lý. Phụ nữ Ấn Độ vẽ sindoor còn để tăng ham muốn tình dục.
Bột sindoor được chuẩn bị bằng cách trộn bột nghệ với thủy ngân. Thủy ngân không chỉ có tác dụng kiểm soát huyết áp, giảm căng thẳng mà còn có tác dụng quan trọng là kích thích ham muốn tình dục.
Theo quan niệm của người Ấn Độ, để dấu hiệu sindoor phát huy tác dụng tối đa, nét vẽ sẽ được vẽ ngay trên vị trí tuyến yên, nơi cân bằng mọi cảm xúc của con người.
Ngoài dấu hiệu sindoor, dấu hiệu bindi cũng là một nét văn hóa đặc trưng của phụ nữ có chồng ở Ấn Độ. Nếu như sindoor được vẽ đặt trên lằn ngôi của tóc thì bindi được vẽ ở giữa trán, cả hai dấu hiệu đều có cùng ý nghĩa là người phụ nữ đã kết hôn.
Chấm đỏ chót trên trán của phụ nữ Ấn Độ chính là “bindi”, trong tiếng Ấn nghĩa là “chấm nhỏ, giọt nước”. Màu đỏ của bindi cũng tượng trưng cho danh dự, tình yêu và sự thịnh vượng.