Ông Lưu Quang Huy- Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết, Lễ hội Đền Hùng 2015 có nhiều nét mới và tạo điểm nhấn hơn năm trước.
Ngày 25.4 (mùng 7.3 Âm lịch) diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Sau chương trình văn nghệ chào mừng sẽ là màn bắn pháo hoa tầm cao kéo dài 30 phút.
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
Lễ hội năm nay cũng có những nét mới như triển lãm sách, báo, tư liệu về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”; Triển lãm tư liệu, hiện vật đồng bào cả nước cung tiến về Đền Hùng; Đêm thơ nhạc các vùng kinh đô Việt Nam; Chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh Nara (Nhật Bản) và các tỉnh tham gia tổ chức giỗ Tổ năm 2015...
Sẽ không còn chuyện “hòn đá lạ”
Thưa ông, tại Lễ hội Đền Hùng các năm trước thường có các lễ vật lớn như cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ, cốc cà phê kỷ lục, “hòn đá lạ”.... Vậy năm nay có nhiều lễ vật như vậy không?
Sẽ không có những lễ vật mang tính kỷ lục tại lễ hội năm nay. Ban tổ chức thống nhất không tiếp nhận và không sử dụng lễ vật kỷ lục trong dịp lễ hội. Vì kinh nghiệm những năm trước cho thấy, lễ vật như trên gây ra những sự phản cảm.
Ví dụ như bánh chưng khổng lồ có ý nghĩa rất lớn nhưng khó bảo quản nên chất lượng không đảm bảo, khi cắt ra thì đã mốc, hỏng vừa không sử dụng được. Cốc cà phê, chai rượu, bát miến… kỷ lục cũng vậy, Ban tổ chức không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm nên sẽ không tiếp nhận.
Tuy nhiên, ngoài dịp lễ hội, nếu bà con nhân dân có những lễ vật mang tính linh thiêng muốn cung tiến, dâng tặng lên Đền Hùng thì tỉnh vẫn tiếp nhận bình thường.
Ban tổ chức đã từ chối lễ vật khổng lồ nào chưa?
Trước đây, Ban tổ chức đã từ chối lễ vật cung tiến là khinh khí cầu khổng lồ. Bởi khinh khí cầu bay trên cao, trong khi địa điểm Đền Hùng là rừng và núi, hệ thống thông tin liên lạc, dây dẫn, lượng người rất đông... nếu xảy ra trục trặc rơi xuống gây hậu quả rất lớn.
Trước đây có câu chuyện “hòn đá lạ” được đưa vào Đền Hùng, sau đó dư luận đã lên tiếng phản ứng. Vậy, hòn đá lạ ấy giờ ở đâu?
Sau khi dư luận lên tiếng phản ứng và các cơ quan chức năng chỉ đạo, hiện "hòn đá lạ" đã được người chủ di chuyển ra khỏi Khu di tích Đền Hùng.
Hiện nay, theo quy định, tất cả các lễ vật cung tiến vào Đền Hùng đều phải qua hội đồng thẩm định. Sau đó, được đưa vào nhà trưng bày chứ không đưa vào danh sách di vật của Đền Hùng. Ban tổ chức sẽ tổ chức trưng bày tư liệu, hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến về Đền Hùng để người dân có thể đến xem.
Ấm trà cũng phải niêm yết giá
Dường như tại bất cứ lễ hội nào, du khách đều lo ngại chuyện giá cả “chặt chém”. Ngay tại lễ hội Đền Hùng năm 2014, nhiều du khách phản ánh, "ấm trà thôi mà những 30.000 đồng". Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào?
Chúng tôi yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại Khu di tích Đền Hùng phải niêm yết giá bán các loại hàng hóa. Ngay cả ấm trà bán cho khách bao nhiêu cũng phải miên yết giá. Bà con kinh doanh cũng đã ký cam kết không nâng giá, ép giá, chèo kéo, không bán hàng kém chất lượng.
Ban tổ chức cũng khuyên du khách đến lễ hội nên hỏi giá trước khi mua hàng. Du khách bị chặt chém giá cả, trẻ em, người già bị lạc người thân, mất cắp... có thể gọi điện theo đường dây nóng để được hỗ trợ.
Tại một vài lễ hội đầu năm vừa qua, các điểm đổi tiền lẻ vẫn hoạt động dù các cơ quan chức năng đã cấm chuyện này. Vậy ở lễ hội Đền Hùng thì sao, thưa ông?
Ban tổ chức đã có văn bản nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ tại Đền Hùng, đồng thời cam kết với các cơ quan liên quan không cho phép đổi tiền lẻ diễn ra tại lễ hội. Ban tổ chức sẽ kiểm tra thường xuyên và giải quyết dứt điểm nếu có chuyện đổi tiền lẻ.
Lễ hội năm 2014, báo chí phản ánh các thanh niên nhảy nhót trong tiếng nhạc lớn tạo hình ảnh phản cảm tại lễ hội truyền thống linh thiêng Đền Hùng. Việc này sẽ được giải quyết thế nào trong năm nay, thưa ông?
Để tránh những hình ảnh như vậy, năm nay, Ban tổ chức cũng chỉ đạo các hoạt động văn hóa, thể thao đều đưa ra xa khu vực trung tâm lễ hội - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!