Đại diện cho bị cáo ra tòa là một người đàn ông luống tuổi, vẻ mặt khắc khổ trong bộ đồ bạc phếch, khuôn mặt không giấu được vẻ đang căng thẳng. Đứng cùng hàng nhưng cách một khoảng khá xa là cặp vợ chồng đang trong độ tuổi trung niên, họ đại diện cho gia đình bị hại. Người chồng có vẻ bình tĩnh nhưng người vợ đi cùng đôi mắt luôn ngân ngấn nước...
Đoạt mạng bạn cùng trường vì bị đánh
Hơn sáu năm trước, bị cáo O.Đ.D (25 tuổi) và bị hại N.T.T (23 tuổi) đang là học sinh đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, quận 6, TP.HCM. Do bị chấn thương sọ não trong một lần bị tai nạn giao thông nên khả năng nhận thức của D có phần hạn chế. Trong khi đó, thấy D hay có những biểu hiện không bình thường nên T cùng nhóm bạn không thích, nhiều lần có thái độ muốn đánh bị cáo. Sợ bị đánh, D lặng lẽ mua 2 con dao cuộn giấy rồi lấy băng keo quấn vào chân mỗi khi đến trường. Liên tiếp những ngày sau đó, T và 2 người bạn nhiều lần đến lớp 11A2 của D tìm đánh D nhưng không gặp.
Đến trưa ngày 11.12.2008, T cùng một người bạn chủ động ngồi đợi D trước cổng trường. Một lúc sau, nhìn thấy D đi bộ vào trường, T đi theo sau lưng dùng tay đánh và nắm đầu D đập vào cạnh tường gây thương tích (giám định 2% - PV). Bị đánh, D đã lấy con dao mang theo đâm T khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó. Phần D, do bị T đánh gây thương tích nên cũng được đưa đến bệnh viện điều trị, sau đó bị Cơ quan điều tra (CQĐT) bắt giữ.
Quá trình điều tra vụ án D có biểu hiện tâm thần không bình thường nên CQĐT đã đưa đi giám định. Theo kết quả giám định pháp y tâm thần của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương - phân viện miền Nam: D có bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn sau chấn thương sọ não nhưng về pháp luật "đương sự gây án trong lúc tỉnh nên vẫn có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi". Trong những ngày bị tạm giam, ám ảnh, sợ hãi vì hành vi tội lỗi của mình đã gây ra, D tiếp tục bị hội chứng rối loạn phân ly trại giam nên được đưa đi chữa trị bệnh.
Đến tháng 10.2014, sau khi sức khỏe D ổn định, Viện KSND TP.HCM mới ra cáo trạng truy tố D về tội "giết người" theo khoản 2 điều 93 BLHS với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Cuối tháng 12.2014, xử sơ thẩm, nhận định vụ án xảy ra nạn nhân có một phần lỗi (đánh bị cáo trước gây thương tích 2%), phạm tội trong trường hợp bị kích động tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hạn chế, bị rối loạn phân ly trại giam..., TAND TP.HCM đã tuyên phạt D mức án 6 năm 18 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam).
Không đồng tình với mức án tòa tuyên, sau phiên tòa sơ thẩm, đại diện hợp pháp cho gia đình bị hại, cha mẹ bị hại T đã làm đơn kháng cáo.
Vành móng ngựa hôm ấy vắng bị cáo.
Chỉ còn lại nỗi đau
Vẫn còn bị ám ảnh những ngày trong tù cộng với chứng bệnh chưa hồi phục, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, luật sư bị cáo và gia đình xin HĐXX cho D vắng mặt, để cha D đại diện ra tòa thay con.
Trình bày trước tòa phúc thẩm, mẹ T đề nghị tòa xử tăng hình phạt bị cáo D bà mới chịu. Khi được HĐXX nêu lý do đòi tăng án, mẹ T vừa nức nở vừa trình bày: "Con tôi chết oan quá. Đồng ý là cháu có sai nhưng không đáng để bị cáo lấy đi mạng sống. Hơn 6 năm rồi tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Buồn hơn là thái độ của mẹ bị cáo đối với gia đình tôi, từ khi cháu mất đến nay gia đình họ không hề đến nhà thắp cho cháu nén nhang. Không những vậy, những lần hiếm hoi gặp nhau mẹ D còn trách móc: "Con chị đánh con tôi làm chi để nó phải ở tù". Khi tôi hỏi lại "Thằng nhỏ còn đi học sao chị lại cho cháu mang dao?" thì mẹ D còn tỉnh bơ trả lời: "Con tôi đem theo dao đi học là để giải quyết với người hàng xóm chứ không có ý định đâm con chị...".
"Vậy là chỉ đòi tăng án là do thái độ không đúng của gia đình bị cáo chứ bản thân không muốn xử nặng bị cáo D, đúng không?", vị chủ tọa hỏi. "Đúng vậy! Nhưng tôi cũng thấy mức án tòa sơ thẩm xử D là quá nhẹ, mong tòa xem xét lại", mẹ T nghẹn ngào.
Nghiêm khắc nhìn sang cha bị cáo D, vị chủ tọa đề nghị từ nay gia đình nên có thái độ đúng mực với gia đình bị hại. "Cách cư xử của vợ ông đối với gia đình bị hại là không đúng. Con ông đã gây ra nỗi đau cho gia đình người ta mà vợ ông không thấy lỗi. Đã không đến chia sẻ nỗi mất mát của gia đình bị hại mà vợ ông còn khoét thêm nỗi đau gia đình người ta...".
Được tòa cho phát biểu ý kiến về đề nghị của gia đình bị hại, cha D đứng tần ngần một hồi lâu. Phải vài phút sau đó, ông mới dè dặt xin HĐXX xem xét gia cảnh khó khăn, bị cáo vẫn đang cần điều trị bệnh... để tuyên y án sơ thẩm. Ông cũng không quên nói lời xin lỗi muộn màng đến gia đình bị hại.
Tâm sự với chúng tôi trong giờ nghị án, em của mẹ nạn nhân T cho biết: T là con trai duy nhất của gia đình. Từ khi T mất, mẹ T suy sụp tinh thần. Bà bỏ hết công ăn việc làm đang ổn định chuyển sang đi chùa, cúng bái cho đứa con xấu số. Nỗi đau mất con khiến bà kiệt sức.
Hoàn cảnh gia đình D cũng không khá hơn là mấy. Cha D có 2 đứa con nhưng cả hai đều bị bệnh tâm thần. Lo cái ăn, cái mặc cho anh em D đã khó, cha D còn gánh thêm tiền thuốc than, điều trị bệnh cho hai anh em hằng tháng... Gánh nặng gia đình khiến khuôn mặt của ông D lúc nào cũng thể hiện sự mệt mỏi, âu lo.
Chính nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày đã khiến cha mẹ D, T thiếu sự quan tâm sâu sát đến con cái dẫn đến thảm cảnh ngày hôm nay. Giờ đây, họ có hối hận thì mọi chuyện cũng đã rồi... Kết thúc phiên xử hôm ấy, kháng cáo của gia đình bị hại bị tòa bác, tòa quyết định giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm...
Vụ án khép lại sau 6 năm nhưng là bài học không bao giờ cũ cho những bậc làm cha, làm mẹ. Và còn là lời cảnh tỉnh cho mọi gia đình và toàn xã hội về nạn bạo lực học đường đang lan rộng như hiện nay.