Điều hấp dẫn là khung cảnh đó chỉ cách cơ quan tôi hơn một cây số đường chim bay. Nhằm tránh bớt bê tông cốt thép của phố thị, cuối giờ chiều chúng tôi cùng chung ý tưởng rủ nhau tìm về thiên nhiên thơ mộng thì những quán tranh, bùn đầm, cành gió lá sóng, chim trời cá nước Thi Nại thật là sự đáp ứng tuyệt diệu.
Những bước chân của đước.
Quán lá trong rừng đước.
Một trùng hợp ngẫu nhiên cho cuộc hoang dã kỳ thú là cây đước và con cá sơn, cả hai loại thực vật và động vật có đời sống và tập tính rất huyền hoặc, thơm thảo đến ngẩn ngơ. Trong mắt các nhà hải dương học, con cá sơn (cardinalfish) thật đặc thù, là “ông bố vĩ đại” của đàn con đậm đà hào khí đại dương.
Tôi đã từng xem các bức ảnh của hướng dẫn viên môn lặn Malaysia- Mat Yie- người dành nhiều ngày quan sát diễn trình cuộc duy trì nòi giống của loài cá miệng rộng này. Nàng cá sơn cái lựa chọn ý trung nhân là một chàng cá sơn đực vạm vỡ. Sau khi thụ tinh, chàng tự ngoác mồm ngậm luôn bọc trứng mà nàng đẻ ra bên cạnh chàng, không phải ngậm một lúc mà ngậm luôn vài tuần.
Chúng ta cứ tưởng tượng xem một ông bố giải phóng bà mẹ khỏi cảnh nằm cữ để bà tự do nhởn nhơ chốn phồn hoa đô hội, còn mình vùi thân trong nhà hộ sinh, không ăn uống, không la cà, để bảo vệ sự sống đàn con cho đến ngày khai hoa nở nhụy trong mồm mình. Khi đàn con thành hình vóc, chui ra, ông bố sẽ lả đi không phải vì mệt nhọc mà vì hạnh phúc khi gương mẫu hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình! Có sự trung thành tận tụy nào hơn!
Cá sơn gai nướng.
Chúng tôi chưa nguôi xuýt xoa về sự bí ẩn của giống cá sơn, bỗng chốc lại lạc vào sự bí ẩn của cây đước dũng mãnh và kiêu bạc. Nếu con cá sơn đực chọn cách ấp trứng bằng mồm thì giống đước chọn cách “cây đẻ con” theo kiểu các nhà thực vật học gọi tên chữ là “thực vật thai sinh”. Cái mầm hình trụ tròn của đước sẽ nảy ngay trong trái chín, khi phôi thành thục sẽ rời cành lăn xuống bùn, bén rễ ngay tắp lự và vài giờ sau trở thành một cây con cứng cáp. Bậc “phụ huynh đước” đã chuẩn bị cho con rất nhiều tố chất để chống mục nát và trừ khử cái miệng tạp nhạp của các loài sinh vật biển hay xơi tái lũ ấu nhi.
Chưa hết, lũ đước con không “lập nghiệp” ở quê nhà có thể tự do thả mình trong sóng nước phiêu dạt đến địa phương khác để bén rễ. Mà đước đi đến đâu, bờ cõi giang san mở mang đến đấy trên đôi hài vạn dặm kỳ vĩ của mình. Dưới bàn chân nó, sự mát mẻ của bóng lá phủ trùm kêu gọi những tôm cua cá ốc và trên đầu nó xao động rung rinh hấp dẫn những cánh chim giang hồ bay về xây tổ ấm. Từ những vết phân chim và lá rụng ken dày, kéo theo sự hoài thai và sinh nở của cơ thể lãnh thổ nhoài mình về phía biển.
Phút suy tư giữa rừng đước.
Chúng tôi ngước nhìn lên nóc rừng đước đang yên tĩnh bỗng xôn xao, hàng nghìn đóa hoa hình trái lê mọc ngược như thì thầm với chúng tôi về cõi “sinh trụ hoại diệt” này, về sự thảng thốt lẫn kiêu sa, về khoảnh khắc lẫn ngàn trùng. Tất nhiên, trong bờ nước nảy, không chỉ đước mà nhiều loài cây khác. Và ngoài gành đá kia, không chỉ cá sơn mà còn nhiều loài cá khác. Nhưng chỉ trò chuyện vui vẻ “liên thông” với cây đước và con cá sơn trong chiều muộn, chúng tôi bỗng trở nên những “hành giả” giữa thiên nhiên cao rộng. Muối của đại dương cũng có hồi nhạt, trăng của thiên hà cũng có lúc mờ, nhưng hình như trong chúng tôi, ai cũng muốn thổi bùng một thứ lửa diệu kỳ nào đó giữa hiện tại.
Chòi tranh thấp thoáng trong rừng đước.
Giành cho nhau một ít thời gian, có chung những chia sẻ về một cuốn sách hay, một tiếng gió mơ hồ nào đó trên cành lá, một âm thanh xao động dưới sóng nước, phải chăng cũng là một dạng “ẩm thực” của tinh thần. Điều này, đột nhiên trở thành hiện thực hóa trong buổi chiều ngẫu nhiên “nhóm ham vui” thưởng thức cá sơn gai giữa rừng đước bạt ngàn.