Chỉ thu được phần nổi của tảng băng
Điểm qua các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được các cơ quan tố tụng T.Ư xác định là án điểm đều thấy số tài sản thu hồi là rất thấp so với con số thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Dạng như tham nhũng tiền tấn, thu về tiền cân. Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II vừa được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên án với các bị cáo.
Trong vụ án, Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II bị tuyên y án tử hình. Tổng giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Vũ Quốc Hảo và 10 đồng phạm gây ra trong vụ án này là 531,8 tỷ đồng, trong đó tham ô 79,9 tỷ đồng, lừa đảo 60,9 tỷ đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 3,9 tỷ đồng. Thế nhưng cơ quan điều tra chỉ mới thu hồi 5,8 tỷ đồng cùng 4 căn nhà và 1 thửa đất.
Cuối tháng 9.2014, vụ án được TAND Tối cao xử phúc thẩm, Vũ Việt Hùng bị tuyên y án tử hình về các tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tài sản tịch thu trong vụ án này là chiếc xe ô tô BMW X6 do Vũ Việt Hùng nhận hối lộ, 6 căn nhà mà Hùng đang sử dụng tại Đăk Lăk, Khánh Hòa, Bình Dương và TP.HCM.
Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc. Thiệt hại trong vụ án mà Dương Chí Dũng và đồng phạm gây ra được xác định gần 367 tỷ đồng. Theo bản án phúc thẩm ngày 7.5.2014, của TAND Tối cao, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải nộp khoản tiền đền bù thiệt hại là 110 tỷ đồng. Bị cáo Trần Hữu Chiều phải đền bù 39,340 tỷ đồng, Trần Hải Sơn phải nộp 46,8 tỷ đồng, Huỳnh Hữu Đức 7 tỷ đồng, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện nộp 6 tỷ đồng... Trước phiên xử phúc thẩm, gia đình Dương Chí Dũng mới chỉ nộp 5,2 tỷ đồng, gia đình Mai Văn Phúc nộp 3,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Trước đó, cơ quan điều tra có kê biên 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng ở phố Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội; Căn hộ ở tháp B của tòa nhà Sky City số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa) và căn hộ ở tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Còn Mai Văn Phúc bị kê biên ngôi nhà ở đường Lê Quý Đôn, TP.Hạ Long, Quảng Ninh.
Trong 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng bị kê biên, Tòa phúc thẩm đã khấu trừ 1/2 căn nhà ở phố Nguyên Hồng vì đây là tài sản chung của vợ chồng, khấu trừ 1/8 căn hộ ở tòa nhà Sky City vì căn hộ này bạn gái Dương Chí Dũng cũng góp tiền mua. Như vậy, tính số tài sản thu hồi của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là quá nhỏ so với số tiền mỗi người phải thi hành án là 110 tỷ đồng.
Khó thu hồi vì tài sản bị dịch chuyển
Theo LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), ở giai đoạn đầu của những vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan điều tra đều tiến hành kê biên những tài sản của người bị khởi tố. Tuy nhiên khối tài sản này so với thiệt hại mà họ gây ra là rất nhỏ, khối tài sản này là phần nổi như nhà cửa, đất đai, xe ô tô còn phần chìm đã bị dịch chuyển.
Theo số liệu thống kê, năm 2013 tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi đạt được chưa đến 10%; năm 2014 đạt trên 22%, thấp hơn nhiều so với số tiền, tài sản thực tế bị tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hành vi tham nhũng bao giờ cũng gắn liền với sự dịch chuyển tài sản trái pháp luật.
"Ban đầu họ lấy tài sản của nhà nước làm của mình, sau đó họ tẩu tán, chia cho người thân, vợ con đứng tên. "Tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời chính là kẽ hở. Đó là lý do khi phát hiện tham nhũng thì tài sản đã được tẩu tán đi rất nhiều và tỷ lệ thu hồi không đáng kể" - ông Tiến nói.
TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức thì những "của chìm" không được kê khai cũng chưa có biện pháp kiểm soát, phát hiện. "Vấn đề phải kiểm soát được tài sản, không biết được tài sản của cán bộ công chức ở đâu thì khi phát hiện ra họ tham nhũng, tài sản đó đã bị tẩu tán, không thể thu hồi" - TS Thảo nói.
Theo TS Thảo, việc kiểm soát tài sản phải bắt đầu từ kiểm soát thu nhập qua tài khoản, hạn chế việc sử dụng tiền mặt. Bất cứ thu nhập cá nhân nào cũng phải được kiểm soát.
"Việc giao dịch những tài sản lớn cũng phải được siết chặt hơn, như mua bán nhà cửa, đất đai... đều phải đăng ký, kê khai và phải qua một cơ quan, không thể để chuyện mua bán khối tài sản lớn kiểu trao tay, bí mật được. Khi việc giao dịch qua cơ quan kiểu trung gian thì cũng sẽ kiểm soát được tài sản của cá nhân và từ đó truy ra nguồn tiền từ đâu mà có" - TS Thảo cho biết.