Người lính Việt Nam ấy là ông Nguyễn Văn Hai (trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An).
Sống sót kỳ lạ trong ổ mai phục
Ông Nguyễn Văn Hai có thân hình nhỏ thó, gầy guộc, di chứng chất độc da cam càng khiến sức khỏe ông không được tốt. Mỗi khi trái gió trở trời hay tái phát bệnh tật lại hành hạ ông đến tiều tụy.
Khi nhắc đến khoảng thời gian hào hùng cũng như cái duyên kỳ ngộ mà ông và người lính Mỹ phía bên kia chiến tuyến, ông vẫn không thể nào quên được. Năm 1958, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 15 tuổi nơi lũy tre làng đã cùng người anh trai đi đăng ký tuyển bộ đội. Tuy nhiên, do sức khỏe, gầy gò, ốm yếu ông Hai đã không trúng tuyển.
Mặc dầu vậy ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 1963, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng trong năm đó, ông đã lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Quân khu 4. Từ đó, trải qua nhiều đơn vị, chiến dịch khác nhau, ông Hai được chuyển sang Tiểu đoàn 11, E 164, Quân khu 4 và nhận được lệnh hành quân vào Nam để tham gia chiến dịch Mậu Thân.
Trong suốt mùa mưa (1968 – 1969), đơn vị ông mắc kẹt ở Tây Nguyên. Trong một trận càn quét của địch, ông cùng một đồng chí cán bộ và đồng chí thợ máy may mắn sống sót. Lúc đó, đồng chí cán bộ được cử về đơn vị báo cáo nhưng giữa đường thì bị địch bắn chết. Đồng chí thợ máy cũng bị thương nặng không thể đi được. Ông Hai đành bỏ lại toàn bộ tư trang cá nhân của mình giữa rừng để quàng hai khẩu súng lên ngực và vác đồng chí thợ máy vượt núi tìm đường về đơn vị.
Sau khi thoát khỏi vùng mai phục của địch, một chiến sĩ khác tên là Hoàng Đình Đảm (quê Thái Bình) là trinh sát của trạm phẫu mặt trận Tây Nguyên đã lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí Đảm bị bắn chết, một người lính Mỹ đã lấy toàn bộ tư trang, giấy tờ của chiến sĩ Đảm cùng với chiếc ba lô của ông Nguyễn Văn Hai làm chiến lợi phẩm. Toàn bộ chiến lợi phẩm đó đã được người lính Mỹ mang về nước và được lưu giữ cẩn thận.
Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 40 năm
Năm 1985, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông Hai về hưu với hàm đại úy và tiếp tục tham gia cống hiến các phong trào tại địa phương sống cuộc đời bình dị nơi quê nhà. Sau hơn 40 năm từ trận chiến đấu chống lại sự càn quét của địch ông cũng không ngờ được rằng đó lại là duyên kỳ ngộ với một người lính biệt kích Mỹ.
Thông qua Hội Cựu chiến binh Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Homer đã tìm cách trả lại những kỷ vật nói trên cho những người lính Việt Nam đã từng đứng ở phía bên kia chiến tuyến. Chiếc bằng lái xe của ông Nguyễn Văn Hai không lâu sau đó được đăng tải trên một số tờ báo của Mỹ cùng với những thông tin người cựu binh Mỹ muốn trả lại các kỷ vật chiến tranh.
Câu chuyện về cuộc hội ngộ bất ngờ giữa một cựu chiến binh Mỹ và một người lính Việt Nam được thượng tá Nguyễn Thị Tiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 cất công tìm kiếm và tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa hai người lính khác chiến tuyến. Chính Homer cũng không thể ngờ rằng, chủ nhân của toàn bộ tư trang ấy vẫn còn sống sót trong trận càn năm xưa.
Ông Hai nhớ lại: “Vào một ngày khoảng cuối năm 2011, tôi được chị Nguyễn Thị Tiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 mời đến nhà chơi và hứa sẽ cho tôi một điều bất ngờ lớn. Trong lúc tôi đang chờ ở tầng 2 chuẩn bị đi xuống thì thấy một người nước ngoài cao to chạy tới ôm chầm lấy. Người ấy vừa khóc nức nở, luôn miệng nói xin lỗi. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vì người đàn ông đó quá xa lạ. Sau đó tôi mới biết, người đàn ông ấy chính là người lính Mỹ đã lấy đi toàn bộ tư trang, giấy tờ của tôi bao gồm: Giấy phép lái xe, giấy công nhận dũng sĩ diệt Mỹ và một số giấy tờ khác vì tôi cố gắng cứu người đồng đội nên đã để lại chiếc ba lô trong trận càn năm xưa”.
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa hai người lính, Homer đã thực hiện được ước nguyện tìm mộ và trao trả toàn bộ kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Đình Đảm cho gia đình. Chính trí nhớ của ông Hai về địa điểm chiếc xe bị đốt cháy đã giúp Homer cùng các thành viên trong đoàn tìm ra nơi an táng của liệt sĩ Hoàng Đình Đảm. Homer cũng đã trao trả lại toàn bộ giấy tờ thu được cho gia đình của liệt sĩ Đảm.
Ông Hai chia sẻ: Thực ra Homer vốn là một nông dân nghèo và cũng chỉ là lính đánh thuê và hoàn toàn không muốn cầm súng giết chết đồng loại của mình. Ông ấy đã khóc, đã nói lời xin lỗi, đã tìm và trao lại những kỷ vật của những người lính bên kia chiến tuyến. Đó cũng chính là cách tốt nhất giúp Homer tìm thấy giây phút thanh thản trong tâm hồn mình. Tôi đã may mắn và hạnh phúc hơn những đồng đội của tôi khi họ phải nằm lại nơi chiến trường. Tôi còn may mắn hơn khi bất ngờ gặp lại người lính từng là kẻ thù của mình, trao cho mình những kỷ vật mà có nằm mơ cũng không thể tìm lại được”.