Khéo léo sẽ tránh được họa
Khi Vua Quang Trung đưa nghĩa quân từ Phú Xuân ra tập kết ở Tam Điệp vào tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), đã ngay lập tức sửa soạn mở chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Lúc này vị Hoàng đế Tây Sơn đã có cả một tiên liệu cực kỳ đặc sắc, được sử cũ chép thành câu nói nguyên văn:
- “Nay ta ra đây đốc quân, phương lược tiến đánh đã tích sẵn rồi. Chẳng qua mươi ngày là có thể đánh đuổi được người nước Thanh thôi. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình, sau khi thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà cố sức báo thù.
Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt thật không phải là phúc cho dân. Lòng ta không muốn vậy. Cho nên, đến lúc đó, chỉ có một cách là dùng lời lẽ khéo léo, thì mới ngăn được cái họa chiến tranh”!.
Đó không phải chỉ là khát vọng hòa bình, mà còn chính là tư tưởng hòa giải - hòa hợp dân tộc trong phương diện đối ngoại.
Theo tư tưởng đó, các văn thần của triều Tây Sơn – Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn… dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quang Trung đã chủ động nhạy bén, sắc sảo, kiên trì, khéo léo, tiến hành ngay từ tháng đầu sau đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), hàng loạt động thái của công cuộc bang giao hòa hảo: Hết soạn và gửi đi những tờ “biểu” – với lời lẽ thật nhún nhường – giải thích nào là việc bất đắc dĩ phải chống đánh quân Thanh, nào là sự thể quân Thanh tổn thất nhiều là do chúng… tự hoảng loạn giẫm đạp lên nhau hoặc ngã xuống sông mà chết đấy thôi; rồi lại đem các tù binh chiến tranh lên biên giới trao trả; cả xin được ban thuốc cho mẹ Vua Quang Trung đang bị ốm, và đặc biệt là đòi “cầu phong” buộc nhà Thanh phải thừa nhận Quang Trung!
Kết quả thật tốt đẹp! Qua hai mùa giao hảo xuân hạ, đến mùa thu năm 1789, thì nhà Thanh chẳng những đã nhanh chóng giải giáp xong lực lượng quân quan toan đi đánh phục thù, mà còn hoan hỉ tiếp đón sứ giải hể hả nhận lễ vật, hào phóng tặng thuốc chữa bệnh cho mẹ Vua Quang Trung, và đặc biệt là tiến hành sắm sửa lễ “phong vương” – thừa nhận Vua Quang Trung!
Thế là, vào tháng Tám năm 1789, một văn bản có tên là “Tờ biểu của hai ban văn võ (triều đình Tây Sơn) mừng việc hòa hảo đã thành”, do danh sĩ Ngô Thì Nhậm soạn thảo, đã ghi một dấu son vào công cuộc đối ngoại hòa giải và hòa hợp dân tộc, dâng lên Vua Quang Trung và truyền đến bây giờ:
“Nay cúi thấy
Cùng Trung Nguyên giao hảo, lễ lớn đã thành
Nhà Minh đường mũ áo thân tình
Nơi vương hội bích khanh rực rỡ
Hai nước hòa mục
Chín cõi cùng xuân…”.
Hòa giải- nhìn từ kiến thiết nước nhà
Ngay sau khi đánh đuổi tan tành đoàn quân Thanh cùng đám vua tôi Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”, Quang Trung đã có “Tờ chiếu về việc ban ơn”, thi hành đối với những người trước đấy đã chống đối hoặc trốn tránh nghĩa quân Tây Sơn, là: - “Văn ban, võ quan triều cũ, do vì trước đây không chịu đến bái yết (trình diện), mang án tại đào (mắc tội trốn tránh) thì nay đều được tha tội”.
- “Những điền sản đã bị tịch thu, sung công mà chưa được trả lại, xét ai thực đã đến chầu, có quan giám tri (của Tây Sơn) kê khai tên họ, thì cho nhận lĩnh điền sản cũ về làm kế sinh nhai, để khỏi đói rét”.
- “Còn những tội phạm phải tù đầy, trừ ngụy án ra, xét tội trạng nào thuộc về án nặng, hãy tạm giam để chờ tra. Còn thì tất cả đều được thả về hết, để giải thoát cho những kẻ bị oan lâu mà chưa được xét”!
Tiếp lần đó, một loạt chủ trương và hành động, trên các phương diện làm ăn kinh tế, văn hóa, giáo dục, cũng được ban bố, thi hành, với tinh thần của lời kêu gọi trong tờ “Chiếu khuyến nông”:
- “Hỡi các thần dân! Các người đều phải trông lên, thể theo đức ý của trẫm: Về nơi quê quán, chăm sóc ruộng vườn! Đừng lười biếng làm hại sinh kế, đừng trốn tránh giấu giếm để mắc tội lỗi! Cái vui giàu thịnh, trẫm sẽ cùng trăm họ chung vui!”.
Cũng với tinh thần ấy, tờ “Chiếu cầu hiền” của Quang Trung sốt sắng động viên:
- “Các quan lại lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép dâng thư tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được, thì đặc cách bổ dụng ngay, lời không dùng được để đấy, chứ không bắt tội ngoa ngôn!”...
Đặc biệt ở lĩnh vực đời sống nông thôn và làm ăn nông nghiệp, tờ “Chiếu khuyến nông” của Quang Trung cả loạt biệt pháp, nhằm vào các đối tượng bỏ quê hương đi lang thang hoặc kiều ngụ ở nơi khác, các vùng có ruộng đất bị bỏ hoang, những ruộng công hoặc ruộng tư vô thừa nhận... để đưa người phiêu bạt trở về quê hương, đất đai phải có chủ, ruộng hoang phải được cày cấy, tránh đánh thuế khống...
Những điều đặc sắc, thiết thực và thấu đáo như thế này, lâu nay, các nhà nghiên cứu đều khoanh vào “Công cuộc kiến thiết đất nước của triều đại Quang Trung”. Nhưng, nhìn vào thực chất thì rõ ràng là thực hiện sự nghiệp hòa hợp - hòa giải dân tộc sau chiến tranh, và cũng còn chính là cơ sở và điều kiện để có thể kiến thiết được đất nước vào lúc ấy.
Do đấy, bức tranh đẹp đẽ mà lời bài phú “Tụng Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng vào năm 1801, đã vẽ nên được về tình hình xây dựng và xây dựng đất nước, vào thời gian trước sau trận Đại thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) của Quang Trung:
“Tới Mậu Thân (1788) từ rỡ ràng vẻ tường vân, sông núi khắp nơi nhờ, công đãng địch.
Qua Canh Tuất (1790) lại tươi tắn cơn thụy vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu”.
Chính là nhờ vị Hoàng soái và triều đại Tây Sơn đã thực hiện được công cuộc hòa giải - hòa hợp dân tộc, đích thực, rộng rãi và nhân văn chủ nghĩa, ngay sau cuộc chiến tranh anh hùng, đánh bại quân xâm lược ngoại bang và bè lũ tay sai bán nước, cả trên các phương diện đối ngoại cũng như là đối nội nối tiếp để lại một truyền thống dân tộc, cho tới thời đại ngày nay.