Trong cuộc chiến đằng đẵng, bằng thời gian cả hai thế chiến I và II cộng lại - của thế hệ chúng tôi, ngay khi đạn bom khốc kiệt nhất, chúng tôi vẫn mong, hy vọng ngày hòa bình của đất nước dẫu là khi tham chiến sự chết và cái sống mong manh lắm. Nhưng chiến tranh cứ triền miên hết cả tuổi thanh xuân của tôi và bao bè bạn khác. Lại có người vĩnh viễn không về Hà Nội nữa khi những kẻ còn lại vẫn khao khát hòa bình.
Trước khi tiến vào Sài Gòn, đơn vị tôi, Trung đoàn pháo cao xạ 593 trang bị súng mới, hỏa lực mạnh, cả hai nòng 37 thay thế súng máy 12,7 ly, nhận lệnh tập trung ở Hố Bò sau những ngày truy kích địch đánh cho họ tan tác từ Tây Nguyên mà mở đầu là trận giải phóng Buôn Ma Thuột.
Từ địa điểm ấy, trung đoàn chuẩn bị đạn dược, xe pháo, quyết đánh trận cuối cùng. Đêm 26.4.1975, nhìn về phía phòng tuyến Xuân Lộc của binh sĩ Sài Gòn, nơi bè bạn tôi đang chiến đấu phá vỡ phòng tuyến, tôi nhìn rõ thấy C130 bay gần sáng, rải thảm và nhiều quầng lửa quặn lên. Lại nghe tin qua thông tin vô tuyến địch đã tàn bạo thả bom 7 tấn. Loại bom hủy diệt.
Trận cuối cùng đây, tôi biết, đây là trận chiến khốc liệt chờ đợi tôi sớm ngày mai! Không ai muốn mình là kẻ sẽ chết khi hòa bình cận kề. Đêm trước 30.4, khi cùng trung đội trinh sát do đại úy Nguyễn Đình Tạo - Tham mưu trưởng trung đoàn trực tiếp làm đội trưởng, tôi nằm chợt nhớ Hà Nội da diết, những ngày thơ ấu bên mợ tôi hiện ra và hình ảnh cha tôi cứ chập chờn.
Tôi có chết trong trận thứ 500 này không? Đấy là một câu hỏi khó ai biết được, nhưng chúng tôi không thể chối từ nhiệm vụ, bởi danh dự của người lính và quan trọng hơn tôi hiểu, phải kết cục chiến tranh cho nhanh ở trận quyết chiến này. Trung đội trinh sát của Trung đoàn 593 đã tiến vào Sài Gòn cùng xe tăng trong làn đạn dữ dội của kẻ thù. Ngã tư Bảy Hiền, địch bắn cháy thiêu trụi 1 xe tăng của ta, nhiều chiến sĩ ở Quân đoàn III của chúng tôi ngã xuống ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.
Trong lần tiến vào Sài Gòn năm ấy, tôi đã tha mạng cho một anh lính bắn lén chúng tôi bên đường. Anh ta và đồng đội của anh đã bắn hạ vài người chiến sĩ của quân đoàn chúng tôi. Tôi và toán trinh sát phát hiện ra anh ta bị thương khi truy kích. Chính lệnh đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh khi ấy đã cứu anh ta, giúp tôi quăng cho anh hai cái băng cá nhân để người lính ấy tự băng bó mà sống.
Hơn hai tháng sau, tôi nhận được thư của cha tôi, dặn tôi đi tìm người bác ruột, anh trai của mẹ tôi. Bác ruột tôi cũng có một đứa con trai tham gia vào hàng ngũ bên kia chiến tuyến với tôi. Đã có khá nhiều gia đình, tựa như hoàn cảnh của gia đình cha mẹ tôi, sự phân chia Nam- Bắc bởi các thế lực chính trị quốc tế làm gia đình ly tán và buộc chính những kẻ ruột thịt, người bên này, kẻ bên kia buộc bắn vào nhau.
Rồi hòa bình, tôi may mắn sống sót trở về, công tác ở Hà Nội 10 năm, tôi sang Đức xuất khẩu lao động. Chính ở châu Âu tôi được chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin chia cắt nước Đức và nước Đức thống nhất không có tiếng súng.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hai sự kiện của nước ta và nước Đức, chợt đau đớn nhận ra rằng, hoàn cảnh lịch sử thế giới đã đẩy dân tộc chúng ta vào một cuộc chiến đầy bi thương, tốn khá nhiều xương máu. Chiến tranh đã tàn phá cả hai miền. Bao con người ly tán, chết chóc và cả hai miền nhẽ ra có thể dành thời gian kiến tạo xứ sở nhưng chính chiến tranh đã làm Việt Nam tụt hậu trong khối Đông Nam Á. Rồi cũng chính chiến tranh đã gây một vết thương rất sâu, khá lớn khá dài cho nhân dân cả hai miền.
Trong suốt quá trình sống tại Đức, tôi tiếp xúc với khá nhiều anh em binh sĩ miền Nam đã ra đi khỏi Việt Nam. Qua những câu chuyện của anh em binh sĩ này, tôi hiểu hoàn cảnh lịch sử hơn, cũng như tôi hiểu được anh em binh sĩ phía bên kia hơn, họ đều là những con người đa số đều rất người, rất tử tế, đáng chia sẻ và thương yêu.
Tác giả “Tháng Ba gãy súng” - nhà văn Cao Xuân Huy tận Mỹ tới thăm tôi chỉ để chia sẻ sự chán ghét tệ bạc của chiến tranh. Nhiều anh em như tôi ở xứ người nhưng nhớ làng nhớ nước khôn nguôi. Nhiều khi kể cho nhau nghe về quê mình, có bao nhiêu giọt lệ đã đổ xuống bên bàn rượu. Những cuộc gặp này kể cả ở đời và văn học cho tôi nhận ra rằng, hầu hết đều là nạn nhân của chiến tranh lạnh, ở mắt xích yếu nhất Việt Nam, trên ba nước bị chia cắt Đức, Triều Tiên và Việt Nam.
Chúng tôi đều rất buồn khi đều nhận ra, sau chiến tranh, những vết thương, sự đố kỵ của hai phía - bên thua và bên thắng còn dai dẳng quá, nhưng qua thời gian và quan trọng hơn cả là có một đội ngũ nhân sĩ trí thức cả hai phía chợt nhận ra rằng, không thể duy trì mãi lòng căm giận, căm thù. Dân tộc Việt Nam là một và phải xóa bỏ hận thù để kiến tạo lại đất nước.
Một mối cừu hận do hoàn cảnh lịch sử và những quy luật của chiến tranh tạo ra chả nhẽ cứ duy trì mãi ở những con người có chung một mẹ Việt Nam ư? Đấy là một câu hỏi lớn, không chỉ ở những nhà văn phía Bắc mà còn ở cả những nhà văn từ chế độ Việt Nam cộng hòa ra đi, xa rời Tổ quốc Mẹ Việt Nam.
Sự hòa nhịp chung của xu hướng tiến bộ trên thế giới đã nhận ra điều ấy từ lâu rồi, nó thể hiện rất rõ ở nước Đức thống nhất và họ đã cưu mang nhau để tạo nên một nước Đức mới hùng cường của ngày hôm nay.
Nghị quyết 36 của Nhà nước và Đảng ta trong sự ứng xử với kiều bào là sự cởi trói, giải tỏa đúng đắn sau rất nhiều năm ly tán và đau đớn. Chúng ta ủng hộ điều này. Việt kiều là một bộ phận trong đoàn kết dân tộc. Hơn ai hết những người lính từng tham chiến ở cả hai bên, từng mất hết cả tuổi xanh, từng thương tích đầy mình đều nhận ra sự quý giá đến vô cùng của hòa bình ổn định khi coi Tổ quốc trên hết. Và, chỉ có hòa bình mới đủ cơ hội là sự tối cần thiết vô cùng, để đưa đất nước tiến lên và điều này không chỉ cần thiết cho riêng ai mà cho cả dân tộc.
Trừ một số rất ít nằm ở phía người của Việt Nam cộng hòa ra đi còn hận thù cực đoan, còn đại bộ phận nhân dân và đặc biệt chí sĩ nhân sĩ miền Nam qua đau khổ, ly tán, mất mát cũng nhận ra điều cốt lõi sâu sắc ấy.
Đã đến lúc chúng ta phải hoàn toàn xóa bỏ cách biệt, phân biệt trong mọi chính sách đối xử, nhằm tiến tới một sự hòa giải dân tộc thực sự, bằng sự khép lại quá khứ, để ai ai cũng có thể mang hết tâm trí và sức lực, vật chất và tinh thần, tiền và trí thức, kiến tạo dâng lên cho một người mẹ chung: Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
Hòa hợp dân tộc, tìm một tiếng nói chung cho tất cả con dân, từ những chính sách cụ thể cởi mở và ôn hòa, chính là cái gốc sâu bền, nhằm đoàn kết, giữ gìn hòa bình cho đất nước, mang lại điều kiện cần thiết cho hạnh phúc mới dân tộc.