Nhóm đã thoát nghèo
Anh Hoàng Văn Lanh, dân tộc Mông ở xóm Lũng Ngần, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho biết: Nhóm sở thích nuôi bò vỗ béo của xóm do IFAD tài trợ được thành lập từ năm 2009 với 12 thành viên, trong đó có 4 hộ nghèo. Từ khi tham gia vào nhóm, mọi người được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, nên thời gian vỗ béo bò giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, giảm các chi phí, tăng số lượng bò được bán.
Sinh hoạt nhóm cũng giúp các thành viên chia sẻ thông tin về giá cả thị trường... Sau 3 năm thành lập nhóm, đến nay mỗi hộ trung bình nuôi được 4-6 con bò, tăng thêm thu nhập và giúp cho 4 hộ trong nhóm thoát nghèo.
Từ khi tham gia vào nhóm sở thích, gia đình chị Vũ Thị Nhớ đã thoát nghèo. |
Cùng nằm trong dự án được IFAD hỗ trợ, chị Vũ Thị Nhớ, dân tộc Tày ở xóm Bản Láp 2, xã Quý Quân (Hà Quảng, Cao Bằng) cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác, chỉ nuôi theo tập quán địa phương từ 1 - 2 con lợn để thịt ăn. Sau khi tham gia vào nhóm sở thích chăn nuôi lợn thịt của xóm, gia đình tôi cùng các hộ trong nhóm được tập huấn kỹ thuật, cách sử dụng cám tăng trọng... nên tôi đã nuôi tăng lên 3 con lợn nái, 40 lợn thịt mỗi lứa”.
Ngoài nuôi lợn, các hộ còn làm hầm biogas, tận dụng chất thải nuôi cá, tăng thu nhập. Nếu như năm 2011, trong tổng số 16 hộ ở Bản Láp tham gia vào nhóm có 5 hộ nghèo thì đến cuối năm 2012 chỉ còn 1 hộ, hiện đang tiếp tục phấn đấu thoát nghèo trong năm tới.
Hộ nghèo được hỗ trợ
Ông Đàm Văn Eng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Cao Bằng thực hiện trên địa bàn 50 xã của 10 huyện trong tỉnh, triển khai từ năm 2008 - 2014. Với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho người nghèo nông thôn, sau hơn 3 năm triển khai, tới nay đã có hơn 22.000 hộ nông dân, đồng bào dân tộc trên địa bàn được hỗ trợ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cao Bằng, nhiều mô hình sản xuất theo tổ, nhóm cùng sở thích đã đạt hiệu quả cao trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, theo hầu hết các hộ tham gia dự án, họ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, vay vốn lãi còn cao; sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu nên đầu ra chưa ổn định và khi dự án kết thúc sẽ rất khó khăn để duy trì nhóm…
Bà Vũ Lê Y Voan - Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội NDVN cho biết: "Nếu các tổ, nhóm có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt, khi các dự án nước ngoài kết thúc, Hội ND sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân".
Thanh Xuân