Không dám mơ được nghỉ lễ
Tới làng bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào sáng sớm một ngày giữa tháng 4, thời gian cao điểm về sản xuất bún của cả làng. Trong căn phòng 20m2, bà Nguyễn Thị Nga (tổ 2, Phú Đô) đang tất bật đảo bột, cho ra lò những mẻ bún trắng tinh, thơm mùi gạo mới.
Vừa làm việc vừa trò chuyện, bà Nga cho hay mỗi ngày nhà bà xuất xưởng khoảng 2 tạ bún. Tuy số lượng không nhiều nhưng hai vợ chồng 3 đứa con phải làm cật lực mới xong. Nghề làm bún mang lại thu nhập chính cho gia đình, dù thu nhập cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.
“Nghề này có làm mới có ăn, không làm thì nhịn luôn. Làm cật lực vậy mà mỗi tháng trừ chi tiêu ăn uống, vợ chồng tôi tiết kiệm cũng chẳng được là bao. Lúc bình thường không sao, con cái ốm đau là hết sạch” – bà Nga tâm sự.
Do tính chất làm nghề dịch vụ, nên gia đình bà phải làm lụng quanh năm, hầu như chẳng có ngày nghỉ ngơi. Họa hoằn lắm, lúc vợ chồng ốm đau thì mới nghỉ, thuê người khác làm.
Nói về ước mơ có ngày nghỉ lễ và lương hưu, bà Nga cười, chia sẻ: “Nghỉ lễ và lương hưu thì ai chẳng muốn, chúng tôi mơ nhiều lắm ấy chứ nhưng có được đâu. Giờ nghỉ chỉ dành cho công nhân viên chức chứ người làm dịch vụ như chúng tôi thì nghỉ sao được. Còn lương hưu thì người ta đi làm có lương, được đóng BHXH, chúng tôi thì vừa làm lính, vừa làm chủ nên chẳng dám mơ đến về già nhận lương hưu đâu”.
Gia đình anh Nguyễn Tiến Yến và chị Ngô Thị Phương (tổ 4, Phú Đô) cũng có truyền thống lâu đời làm bún. Trong căn nhà 4 tầng phía cuối, gia đình anh chị đang tất bật chuẩn bị cho mẻ bún sáng, trong tiếng quay rộn rã của máy đánh bột.
Chị Phương cho biết, vì là làm nghề dịch vụ, tự do nên thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ chứ không cần ai cho phép. Có điều, có muốn nghỉ lễ cũng không được bởi ngày đó, nhu cầu khách hàng sử dụng bún tăng cao, phải làm nhiều hơn bình thường.
“Thu nhập từ nghề bún không đáng bao nhiêu, chỉ đủ lo chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình. Có chút tích lũy thì gửi ngân hàng, chứ vợ chồng tôi cũng không tham gia bảo hiểm gì hết. Cũng muốn đóng BHXH để sau này về già có lương hưu, nhưng thu nhập không ổn định, tháng dư tháng không nên không tham gia được” – chị Phương giãi bày.
Cách đó không xa, LĐ làng nghề ở xã Quảng Phú Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) cũng chung ước mơ về nghỉ lễ và lương hưu.
Chị Trần Thị Lan (53 tuổi, thôn Tảo Dương) tâm sự: “Từ trước đến nay hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, lúc rảnh rỗi thì đi làm nghề se tăm hương kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi làm công nhật, không có hợp đồng lao động nên làm buổi nào hưởng buổi đó, không làm không có công. Thế nên, giấc mơ nghỉ lễ và lương hưu là xa với với chúng tôi lắm”.
Chị Lan cho biết thêm, thường thì chỉ ngày tết nhất thì chủ mới cho quà, sắp xếp để bà con nghỉ. “Còn ngày lễ 2.9, hay 30.4 hay1.5, chúng tôi vẫn làm như bình thường. Nhiều khi có con cái đi học xa về nhà, muốn sum họp cũng không được bởi xưởng đang có đơn đặt hàng, phải làm cho kịp tiến độ”- chị Lan nói.
Nghỉ lễ: Coi chừng mất việc
Đó là nỗi lo của khá nhiều LĐ làng nghề. Anh Nguyễn Văn Hồng, trú tại xã Đồng Thái (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) chia sẻ, anh gắn bó với ngành nghề sơn sửa ô tô gần chục năm. Quá trình đó, anh bôn ba làm việc ở các mọi loại hình như doanh nhiệp, tư nhân, trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa ô tô của quân đội cũng có.
Tuy nhiên, ở loại hình nào anh cũng đều không có hợp đồng lao động. “Thực tế hầu hết anh em vào các xưởng làm thì đều làm công nhân tự do hoặc đứng nhận khoán.
Từ trước tới nay, việc ký hợp đồng lao động hay đóng BHXH, BHYT theo chế độ đối với anh em là hoàn toàn xa lạ. Đối với thợ đứng xưởng chủ yếu khi xin việc họ chỉ quan tâm tới mức lương mình được hưởng có thỏa đáng hay không mà thôi. Vì thế, chủ với LĐ không có ràng buộc gì”- anh Hồng chia sẻ.
Năm 2012, anh Hồng đầu quân cho xưởng quân đội. Tại nơi làm việc mới này anh không có ngày nghỉ lễ. Do nhận làm khoán mảng sơn ô tô nên dù có vào ngày nghỉ chủ xưởng yêu cầu làm anh vẫn phải phục vụ khách là chuyện bình thường. “Nếu làm mất lòng chủ xưởng, mất mối khách hàng thì mình lại dễ bị “bật bãi” khỏi xưởng nên tôi và nhóm thợ nhận khoán cố gắng duy trì công việc. Có những lần tôi thương thợ, cho thợ nghỉ lễ, một mình tôi phải nai lưng ra hoàn thiện công việc”- anh Hồng cho biết.
Cùng cảnh như anh Hồng anh Nguyễn Đức Phương, trú tại Kiến An, Hải Phòng chia sẻ: Anh đã 40 tuổi, làm tại trung tâm sửa chữa ô tô trên địa bàn gần 5 năm nhưng anh cũng không có hợp đồng LĐ, không có BHXH, BHYT và cũng rất ít khi được nghỉ. Chỉ khi nào làm việc quá tải, anh xin nghỉ 1-2 buổi. Ngày lễ cũng vẫn làm việc bình thường. Thấy sức khỏe của anh có phần giảm sút, gia đình anh tự chủ động mua BHYT tự nguyện để “đề phòng”. “Tôi làm ngày nào biết ngày đó thôi, đâu có mơ tới lương hưu sau này”- anh chia sẻ.
Hiện tại, Hải Phòng rất nhiều xưởng sửa chữa ô tô. Chủ xưởng chủ yếu tìm những lao động ở vùng sâu, xa với đặc thù họ chịu khó, mức lương vừa phải. Có xưởng nuôi tới hàng chục thợ nhưng ít có xưởng nào duy trì ổn định được về số lượng thợ cố định vì hầu hết đều không có chế độ đãi ngộ với người LĐ. Cũng theo tìm hiểu của PV NTNN, tại Công ty TNHH Xây dựng Đình Tuấn trên địa bàn huyện An Dương có 12 LĐ phổ thông. Hầu hết số này đều không được chủ LĐ đóng BHXH dù có hợp đồng lao động ngắn hạn. Chỉ có LĐ chủ chốt như kế toán mới được công ty đóng BHXH cho vì LĐ này ít có sự thay đổi, gắn bó không hay nghỉ ngang như LĐ tự do, phổ thông.