Lễ hội Đền Hùng năm 2015 diễn ra trong 6 ngày (từ 5-10.3 âm lịch) tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong đó, điểm nhấn là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào 7h ngày 28.4 (ngày 10.3 âm lịch)…
Cách trung tâm Hà Nội 90km, Khu di tích Đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Thành lập 5 trung tâm y tế hỗ trợ người dân
Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, từ ngày 8.3, ban tổ chức đã tập duyệt chạy thử chương trình trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3). Ngoài gần 1.000 chiến sĩ tham gia bảo vệ an ninh trong lễ hội, ban tổ chức còn huy động 400 cán bộ, bảo vệ hỗ trợ người dân. 5 trung tâm y tế được thành lập trong khu tích lịch sử Đền Hùng, chăm sóc, cấp cứu cho người dân khi gặp sự cố.
Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3), bắt đầu từ lúc 7h, đoàn tiêu binh sẽ dẫn đầu đoàn, tiếp theo là nghi lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong thời gian này, người dân ở phía cổng đền sẽ di chuyển chậm lên đền Hạ. Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, nghi lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước kết thúc, sẽ mở cửa để tất cả người dân lên các đền trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ông Anh cho biết thêm, từ hôm khai hội (5.3 âm lịch) đến nay đã có hơn 4 triệu lượt khách về thăm quan, dâng hương tại Khu tích lịch sử Đền Hùng (căn cứ vào lượng vé gửi xe). Riêng ngày 8.3 (âm lịch) có hơn 2 triệu người về với lễ hội. Dự kiến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3) âm lịch, sẽ có hơn 2 triệu du khách đến dâng hương.
Ghi nhận của PV, năm 2014, vẫn có hiện tượng người dân "xé rào" vượt đồi lên đền Trung. Tuy nhiên, theo ông Anh, năm nay tại những lối đó, ban tổ chức đã chăng lưới thép B40. Đặc biệt, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, luôn có lực lượng đứng chốt tại khu vực này hướng dẫn, ngăn cản người dân không tự "xé rào".
Để tránh tình trạng người dân lên Đền Thượng bằng lối tắt, BTC đã bố trí vây những lối lên này bằng lưới B40.
“Để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người dân về lễ hội, chúng tôi đã bố trí lực lượng bảo vệ đứng chốt ở những vị trí đông người. Nếu phát hiện du khách bị móc túi hay người dân bị ngất, lực lượng này sẽ can thiệp, hỗ trợ người dân ngay. Thêm nữa, chúng tôi yêu cầu tất cả các quán, nhà hàng, bãi gửi xe phải niêm yết giá cả công khai. Nếu cửa hàng nào “chặt chém” du khách sẽ bị xử lý ngay”, ông Anh nói thêm.
Ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ ngày 9.3 (âm lịch), khách thập phương đã đổ về khu di tích lịch sử Đền Hùng dâng hương, tưởng nhớ các vua Hùng.
Có mặt tại khu đền Thượng, bà Nguyễn Thị Hải (Ninh Bình) cho hay, bà cùng gia đình lên thăm quan Phú Thọ từ ngày 8.3. Đây là lần đầu tiên, bà cùng gia đình đến với lễ hội.
“Hôm nay, du khách đến lễ hội chưa đông, vì vậy gia đình tôi muốn nhân dịp này lên đền Thượng dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng luôn. Ngày mai (10.3), lượng người về với lễ hội đông, chúng tôi sẽ đi thăm quan, mua sắm ở ngoài, tránh ùn tắc”, bà Hải nói.
Không tiếp nhận lễ vật khủng người dân tiến cúng
Những năm về trước, đến dịp lễ hội Đền Hùng, nhiều cá nhân, tổ chức muốn cúng tiến những lễ vật “khủng”. Tuy nhiên, theo ban tổ chức lễ hội, năm nay, có một người muốn tiến cúng lễ vật nhưng ban tổ chức từ chối vì lễ vật đó không phù hợp.
Về hòn đá “lạ” người dân tiến cúng ở Đền Hùng, theo Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, năm 2013, sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, đơn vị đã trao trả lại cho chủ nhân tiến cúng hòn đá này.
“Mấy năm về trước có doanh nghiệp dâng lễ vật khủng như quả khinh khí cầu; hòn đá, tuy nhiên hai năm nay chúng tôi không có chủ trương tiếp nhận những lễ vật này. Năm 2015, không có doanh nghiệp nào đề nghị cúng tiến lễ vật”, ông Nguyễn Duy Anh nói.
Ban tổ chức cho biết, sau 4 ngày đã có khoảng hơn 4 triệu lượt du khách trong nước cũng như Việt Kiều về dâng hương, thưởng ngoạn phong cảnh.
Về hiện tượng ăn xin, ông Anh nói: “Năm nay, đơn vị sẽ không để người ăn xin hoạt động trong lễ hội Đền Hùng. Khi phát hiện có người ăn xin, lực lượng chức năng sẽ đưa về trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng, thậm chí sẽ cho tiền để họ bắt xe về quê, nếu họ có nhu cầu”.
Ông Anh cho hay, lễ hội Đền Hùng năm 2015, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, cùng một số doanh nghiệp đã góp kinh phí tu sửa hơn 1.000 bậc thang lên xuống trên núi Nghĩa Lĩnh, tạo nhiều thuận lợi cho du khách đi lại khi đến với lễ hội Đền Hùng. Bậc cầu thang được làm bằng đá Bình Định, có độ cứng cao, chống mòn, đảm bảo an toàn cho du khách. Tổng chi phí cho việc tu sửa cầu thang hết 26 tỷ đồng.
“Năm 2014, các bậc cầu thang lên xuống đền Thượng, đền Giếng bị hư hỏng, đá bị mòn, trơn. Do vậy, gây nguy hiểm cho du khách khi đến với lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, năm nay, những bậc cầu thang này đã được khắc phục nên du khách có thể yên tâm”, ông Anh cho hay.