Dân Việt

10 vụ phản bội nổi tiếng trên trang sách phương Tây

Phan Lê 03/05/2015 10:00 GMT+7
Sự phản bội luồn lách trong từng ngõ nhỏ của thế giới văn học: phản bội tình yêu và tình bạn, phản bội đất nước quê hương và sự phản bội lại chính bản thân mình vì tham vọng và ảo tưởng.

“Phản bội” – hai từ đơn giản như một vết đen, vết nhơ trên bất cứ trang sách nào có chứa chúng. Là một phần của bản chất con người, sự phản bội không chỉ thể hiện mặt yếu kém của một con người, ngay cả những tình yêu và niền tin cháy bỏng, mạnh mẽ cũng có thể nhanh chóng dẫn đến sự phản bội.

10 cuốn sách sau cho thấy sự phản bội được “cải trang” cũng nguy hiểm không kém như khi nó lộ liễu dưới ánh sáng mặt trời.

1. The End of Affair – Graham Greene (Tạm dịch: Sự kết thúc của tình trường)

Với Graham Greene, bạn có thể chọn bất cứ cuốn sách nào của ông để nói về phản bội – ông là bậc thầy của truyện phản bội. Sự Kết thúc của Tình trường được xuất bản năm 1951 kể một câu chuyện vô cùng đẹp nhưng buồn bã về một tình yêu bị cuốn trôi bởi ghen tuông và niềm tin về tội lỗi Công giáo. Được viết trong thời kì hậu chiến khắc khổ, Greene đã lấy bối cảnh London thời chiến để dẫn dắt truyện tình dựa trên cuộc tình có thật của ông với quý bà Catherine Watson.

Sự Kết thúc của Tình trường được nhìn dưới một góc nhìn mới, mở ra một ý nghĩa mới.

2. Medea – Euripides (Thần thoại Hy Lạp)

img
Nàng Medea

Không gì sánh bằng Thần thoại Hy Lạp để nói về những thế lực siêu nhiên - động lực thúc đẩy con người phàm trần. Sự phản bội lặp đi lặp lại suốt Thần thoại Hy Lạp nhưng có lẽ không có câu chuyện trả thù sự phản bội nào lại dữ dội và tuyệt vọng như thảm kịch trả thù nổi tiếng của Euripides.

Nàng công chúa Medea đã từ bỏ cả quê hương, danh dự của đất nước và bội phản cả cha mẹ mình để đi theo tình yêu với Jason, để rồi lại bị người chồng của mình bỏ đi vì một cô gái trẻ hơn. Bị đối xử tệ hại, giận dữ và mất bình tĩnh, Medea đã hạ sát chính con của mình để chúng không lớn lên giống bố. Hành động không thể tưởng tượng này có lẽ không phải chưa nghe thấy bao giờ. Cuộc hôn nhân của Medea và Jason được kể lại với cái nhìn nội tâm sâu sắc và trào phúng, khiến cho tác phẩm luôn mang tính thời đại.

3. Stag’s Leap – Sharon Olds (Tạm dịch: Bước nhảy của hươu)

img
 Nhà văn Sharon Olds

Nhà văn Olds có thói quen dùng thi ca để thể hiện “những vùng sáng sắc màu của lòng chung thủy và thói bội phản”, trong đó lòng chung thủy hoàn toàn lặng im, kìm lại không nói lên sự thật, trong khi sự bội phản bóc trần toàn bộ bản chất của những người bạn, gia đình và của bản thân nhân vật. Bước nhảy của hươu được lấy cảm hứng từ vụ ly dị của bà, khi chồng bà bỏ đi với người phụ nữ khác.

Những bài thơ này đậm chất riêng tư, chất chứa nỗi buồn sâu thẳm và đấy ắp những kỉ niệm tình yêu, những giây phút gần gũi, cuộc sống thường ngày và cả sự dối trá. Nhưng ngược lại với sự tụt dốc của Medea, Olds đã đối xử tử tế với người chồng cũ và cuối cùng, tìm được niềm vui với sự tự do mới mẻ của bà.

4. The Remains of the Day – Kazui Ishiguro (Tạm dịch: Những ngày còn lại)

img
Bộ phim chuyển thể cùng tên năm 1993

Tiểu thuyết nổi tiếng này đã được làm thành phim với diễn viên gạo cội Anthony Hopkins thủ vai chính. So với Medea hoang dã và không biết chùn tay – ông Stevens, người kể chuyện của Những ngày còn lại là một người rất biết kiềm chế và chừng mực.

Làm quản gia của Lâu đài Darlington, một ngày nọ Stevens quyết định đi thăm một người bạn cũ sau 20 năm không gặp, cô Kenton. Với Stevens, sự kiềm chế cùng với phẩm giá và lòng trung thành là những yếu tố tạo nên “sự lớn lao” – một mục tiêu mà ông luôn hướng tới cả đời mình. Nhưng sau khi từ bỏ tình yêu, đến cuối tiểu thuyết, người quản gia có tuổi chợt nhận ra chính những niềm tin đó đã trói buộc ông, khiến ông phản bội lại chính bản thân mình.

5. The Prime of Miss Jean Brodie – Muriel Spark (Tạm dịch: Năm đẹp nhất của Cô Jean Brodie)

Sự ảnh hưởng của học thuyết Calvin có biểu hiện rõ ràng trong câu chuyện về Jean Brodie của Spark. Là một cô giáo quyến rũ của trường Edinburgh, Jean Brodie lại có uy quyền như thần thánh và một quan điểm học tập cứng nhắc đến mức “phát xít”.

Tính hài hước tuyệt vời và những trò chơi chữ duyên dáng của Spark đã làm giảm sự đen tối của tác phẩm đi rất nhiều, khi bà tiếp tục bóc trần sự điều khiển và cưỡng chế của cô giáo Brodie đối với học trò nữ của mình, dẫn đến sự phản bội của học trò.

6. City of Angels (hoặc Overcoat of Dr. Freud) – Christina Wolf (Tạm dịch: Thành phố của những thiên thần, hoặc Áo choàng của Giáo sư Freud)

img
Nhà văn Wolf

Sự phản bội hay là thay đổi lòng trung thành ở đây diễn ra không phải trên trang sách mà là trong cuộc đời thực của tác giả. Nhà văn và phê bình văn học Christina Wolf lớn lên trong xã hội Đức Quốc xã, và khi còn nhỏ là thành viên của Đội Thiếu niên Hitler. Sau chiến tranh, bà ở lại Đông Đức, trở thành một cán bộ Nhà nước Cộng sản.

Bà từ bỏ Đảng vào năm 1989, chỉ một năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Thành phố của những thiên thần, xuất bản năm 2010 tức chỉ một năm trước khi Wolf chết, là những nỗ lực của bà để giải thích sự thay đổi của bản thân mình.

Bà mô tả lại mình như đã bị bao bọc trong một tấm màn dối trá và phủ nhận như chiếc áo choàng của Freud – và lí giải vì sao sự ảo tưởng của mỗi người lại cần thiết nếu chúng ta muốn đối mặt với cuộc sống thực. Là một nhà văn tài ba, Wolf đã giải thích tường tận, phá bỏ mọi suy tưởng sai lầm về cá nhân của bà.

Đây là một cuốn sách vừa lí thú vừa có chiều sâu bất ngờ.

7. In Parenthesis – David Jones (Tạm dịch: Nghĩa bóng)

Bất cứ ghi nhận nào về cuộc chiến thế giới lần thứ nhất cũng có thể được nhìn dưới góc độ là một tuyên bố về sự bội phản lại loài người. Trong lời mở đầu của lần xuất bản tác phẩm Nghĩa bóng năm 1961, TS Eliot đã gọi tập thơ và tản văn của đồng nghiệp là “một tác phẩm xuất chúng”. Tác phẩm kể lại câu chuyện của John Ball, binh nhất một tiểu đội bắn súng người Anh, được đẩy lên cao trào khi diễn ra vụ sát hại Mametz Wood trong ngày mở đầu Trận chiến ở Somme.

Sự ảo giác về những truyền thuyết cổ của Anh và Ailen len lỏi vào trong những chiến hào quân sự, lẩn khuất giữa những thời khắc chán ngán dai dẳng và sự kinh hoàng của tiếng cháy nổ. Điều khiến cho sự đổ máu vô nghĩa này đặc biệt chính là lòng cảm thông sâu sắc của tác giả với những tổn thất của chiến tranh.

8. Shroud – John Banville (Tạm dịch: Tấm màn)

Khi Alex, nhân vật chính lạnh lùng của câu chuyện - nhận được bức thư từ Cass Clave, Alex sợ cô ta đang lên kế hoạch phản bội mình. Nhưng sự phản bội trở nên phức tạp trong tác phẩm về sự hai mặt này. “Cả đời tôi, tôi đã nói dối. Tôi nói dối để thoát tội, tôi nói dối để được yêu thương, tôi nói dối để được cất nhắc và vì quyền lực. Tôi nói dối để nói dối.

Đó là một cách sống.” Alex đã ăn cắp danh tính để trốn thoát khỏi việc bị Phát xít Đức đẩy đi đày. Tấm màn - một cuốn tiểu thuyết tuyệt hạng, đen tối và rối rắm nhân dạng của nhân vật, ẩn chứa sự dối trá đến nỗi độc giả sẽ tự hỏi đến cuối cùng, ai mới là kẻ phản bội và hắn đã phản bội lại cái gì.

9. The Spy Who came in from the Cold – John le Carre (Điệp viên đến trong giá lạnh)

Điệp viên vốn là những kẻ theo nghề phản bội. Bản chất công việc của họ khiến cho bản thân họ luôn hướng đến tính hai mặt – một phần trong họ luôn tính toán phản bội người nào đó. Le Carre đã thành công trong việc thể hiện lại cuộc sống phức tạp này qua nhiều nhân vật và tác phẩm, nhưng câu chuyện điệp viên này là cuốn sách thành công nhất.

Điệp viên Anh Alec Leamas được giao cho một nhiệm vụ cuối cùng trước khi được hồi hương “từ vùng lạnh”. Giữa những khung cảnh hồi tưởng thời chiến, những cốc rượu whiskey trên những tòa nhà chọc trời, vị anh hùng cố gắng làm điều đúng đắn và cứu cô gái anh yêu, cuối cùng, Alec phải chọn giữa mạng sống và lòng trung thành của mình.

10. Dear Life – Alice Munro (tạm dịch: Cuộc sống mến thương)

img
Alice Munro và cuốn sách của bà

Muron là tác giả nổi tiếng thẳng thắn về cuộc đời. Phản bội, ở bất cứ mức độ nào dù lớn hay nhỏ, chạy xuyên suốt một cách đều đặn giữa những truyện ngắn của bà. Trong tập truyện xuất bản năm 2012, bà trở về trang trại cuối con đường, chính là nơi bà đã chạy khỏi, bỏ lại gia đình và bạn bè sau lưng. Cách bà chắt lọc những câu chuyện cũ của gia đình, dùng làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình cũng là một cách “phản bội” như chính cách mà bà nói.

Bà kết thúc Cuộc sống mến thương bằng những lời sau: “Chúng ta nói ra những lời mà họ không thể chấp nhận, không thể tha thứ cho ta được, kể cả bản thân ta cũng không thể tự tha thứ. Nhưng chúng ta vẫn làm thế - liên tục”.