Ngày 16.3.1968, một đơn vị quân viễn chinh Mỹ đã tiến vào Mỹ Lai, Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) tàn sát 504 thường dân – phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em không một tấc sắt trong tay, không một hành động kháng cự.
Một năm rưỡi sau vụ thảm sát mới được phanh phui ở Mỹ đã lập tức gây chấn động dư luận, khiến cả loài người phải sửng sốt. Khắp nơi trên hành tinh, nhân loại bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động dã man và so sánh vụ Mỹ Lai với những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2.
Thi thể nạn nhân bị sát hại chất đầy trên con đường dẫn vào một ngôi làng ở thôn Mỹ Lai
Thoát chết nhờ nhiều xác người đè lên
Tiếng gào khóc, kêu la thất thanh, tiếng súng nổ rung chuyển trời đất, tiếng trực thăng, khói lửa mù mịt... máu và xác người la liệt trên con đường 3 mẹ con chị Liên chạy nạn.
“Lúc ấy, mỗi người chạy trên đường đều ghánh theo gạo, muối, mắm, quần áo... súng cứ bắn, nhiều người và cả quanh ghánh đều ngã xuống. Mẹ đẩy chúng tôi xuống một con mương nước đầu làng ẩn nấp. Có rất nhiều người cũng chạy xuống con mương, trong đó có ông ngoại tôi, bác, chú, cô bên ngoại bên nội cùng chạy xuống con mương”.
“Mẹ tôi kể lại, lúc xuống con mương đó tôi khóc dữ lắm vì mới hơn 3 tuổi, nhưng mẹ để tôi ngậm ti để tôi nín, dù lúc đó bị đè nặng bởi xác người và máu chảy xuống.
Lần lượt những người ẩn nấp dưới con mương ngã xuống đè lên người 3 mẹ con tôi, sau loạt súng. Tất cả đã chết, 3 mẹ con tôi thoát chết nhờ xác chết chồng chết lên nhau mà đạn không bắn tới. Khi xác người ngã xuống hết, thêm một loạt đạn nữa vang lên, thấy tất cả chỉ còn là sự im lặng, họ mới rút đi”.
Chị Nguyễn Thị Liên sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968 không cầm được nước mắt khi nhắc lại buổi sáng chị và mẹ - bà Phạm Thị Thuận may mắn thoát chết trong khi 170 người khác bỏ mạng chỉ trên một đoạn mương chưa đầy 30m.
Chị Nguyễn Thị Liên sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968 nhờ xác chết đè lên mà đạn không bắn tới
Trong ký ức của chị, khi tiếng đạn yên, 3 mẹ con bò dậy, trên mình toàn máu, chiếc áo cũng ớt sũng vì máu của những người trúng đạn chảy xuống. Trên đường tiếp tục chạy, mẹ đặt chị xuống hố bom có nước để gột rửa rồi mới chạy tiếp.
Buổi sáng Mỹ Lai ấy, mẹ con chị Liên mất đi gần 20 người thân gồm ông ngoại, cô, chú, bác... còn cả xã Sơn Mỹ mất đi 504 người - toàn người già, phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh...
Theo những nhân chứng còn sống sót kể lại, người già, trẻ em thì bị bắn chết hoặc tra tấn dã man trước khi bắn, phụ nữ bị hãm hiếp trước khi bị sát hại.
Lúc lĩnh Mỹ xông vào thì nhà bà cụ Nguyễn Thị Đốc đang tụ tập bên mâm cơm sáng – chỉ là cơm nguội với củ lang. Loạt súng bắn xối xả vào mâm cơm – 9 người chết ngay tại chỗ. Đứa cháu nội bà đầu văng lông lốc mà miệng vẫn ngậm củ khoai lang. Chính bà, nhờ bị thương mà nằm in cùng với 3 đứa cháu chưa ngồi vào mâm cơm thoát chết.
Ông cụ Trương Thơ 72 tuổi, bị lính Mỹ tóm râu lôi từ nhà ra sân đánh nhừ tử. Ông bị cắt cả chòm râu lẫn cằm dưới rối xô xuống giếng, ném lựu đạn theo...
Hơn 500 đám giỗ cùng ngày
Chị Nguyễn Thị Liên kể lại, sau ngày thoát chết tại con mương, mẹ con chị chạy sang làng bên, rồi chạy đến Đà Lạt, Sài Gòn... Trong suốt những năm chạy loạn ấy, chỉ có vào ngày giỗ bố, mẹ con chị mới trở lại làng vừa làm giỗ vừa nghe ngóng tình hình. Đến sau giải phóng mới về lại Sơn Mỹ định cư.
Sau nhiều năm, tiếng động lớn, tiếng gào thét vẫn ám ảnh chị - đó là nỗi sợ không thể nguôi ngoai. Chị cũng buồn trong ngày 17.2 âm lịch hàng năm, anh em, con cháu từ khắp nơi lại về Sơn Mỹ làm giỗ cho người thân – ngày giỗ chung của các gia đình 504 người bị thảm sát.
Hầu như không một gia đình nào mà không có người thân mất trong vụ thảm sát. Có nhà mất đi hàng chục người thân.
Mọi người cùng nhau chia sẻ, an ủi nhau trong cuộc sống với niềm tiếc thương với những người đã khuất. Đi ra đường, thấy ai ai cũng đi ăn giỗ, làm đám giỗ... không có ngày nào trong làng lại đông người như hôm ấy.
Nhiều năm sau đó, chị Liên cũng sợ những người nước ngoài. Trông thấy người nước ngoài cao to là chị Liên lại ám ảnh đến vụ thảm sát. Mãi gần đây nỗi đau mới xoa dịu, chị thân thiện hơn với người nước ngoài, trò chuyện với người Mỹ.
Chị nói: “Lớn lên, mình hiểu biết hơn và cũng biết rằng, trong số những lĩnh Mỹ tại vụ thảm sát cũng có người đã tự bắn vào chân để không thảm sát người vô tội, có người cứu người dân Mỹ Lai khỏi cái chết. Không phải lính Mỹ nào cũng xấu. Nhưng nỗi đau mất người thân thì chẳng bao giờ nguôi ngoai”.