Dân Việt

Nghe lại vụ thảm sát Mỹ Lai, nhiều người ngất xỉu

Dương Tùng 01/05/2015 13:00 GMT+7
Có những sinh viên Việt bị ngất, du khách nước ngoài sốc nặng, họ ngồi lặng im hàng giờ khi đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ - nơi tưởng niệm 504 người trong vụ thảm sát Mỹ Lai.
Ngày 16.3.1968, một đơn vị quân viễn chinh Mỹ đã tiến vào Mỹ Lai, Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) tàn sát 504 thường dân – phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em không một tấc sắt trong tay, không một hành động kháng cự.

Một năm rưỡi sau vụ thảm sát mới được phanh phui ở Mỹ. Vụ việc đã lập tức gây chấn động dư luận, khiến cả thế giới phải sửng sốt. Khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành động dã man và so sánh vụ Mỹ Lai với những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2.

“Nhiều người ngất khi đến đây”

Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu chứng tích Mỹ Lai, tỉnh Quảng Ngãi) - nơi tưởng nhớ 504 người dân thường bị thảm sát bởi tốp lính Mỹ ngày 16.3.1968.

Khuôn viên Khu chứng tích hiện nay vốn là hàng tre, con đường vào xóm la liệt xác người năm nào; là con mương chứa 170 xác người ngã xuống sau loạt đạn của lính Mỹ năm 1968.

Hiện vật bên trong nhà chứng tích là chiếc mâm thau cũ lỗ chỗ vết đạn; chiếc áo, đôi dép của cháu bé bị bắn chết trong vụ thảm sát kinh hoàng ngày ấy... Bên cạnh hiện vật còn có sơ đồ, bản kê, lời thuyết minh và bức ảnh về vụ thảm sát.

img
Đài tưởng niệm Khu chứng tích Sơn Mỹ

 

Bên ngoài khuôn viên, có những tấm bia dựng ngay ở các địa điểm từng xảy ra cuộc bắn giết. Có tháp canh ở rìa làng, bên con đường đất đỏ với 102 người bị bắn chết; vườn cô Phạm Thị Mùi – người bị lính Mỹ hiếp và ném vào lửa thiêu sống; giếng nước mà ông cụ Trương Thơ 72 tuổi, bị lính Mỹ tóm râu lôi từ nhà ra sân đánh nhừ tử rồi xô xuống giếng, ném lựu đạn theo...

Hướng dẫn viên Khu chứng tích Sơn Mỹ - chị Phạm Thị Quỳnh Anh cho biết, đã có rất nhiều người nước ngoài đến đây xem lại phim tài liệu, hiện vật, bức ảnh, nghe lại câu chuyện về vụ thảm sát đã không cầm được nước mắt. Nhiều du khách đã quá sốc trước sự tàn ác khủng khiếp của chiến tranh.

Hướng dẫn viên này nhớ lại, có lần Khu chứng tích Sơn Mỹ đón đoàn khách từ Mỹ đến tham quan. Nhưng mới chỉ xem bộ phim tư liệu, một số khách nữ đã bỏ ra ngoài với những khuôn mặt thất thần, họ đã bị sốc nặng. Họ ngồi lặng im hàng giờ, không thể tiếp tục đi thăm thêm bất cứ một nơi trưng bày nào trong khu chứng tích.

Chị Phạm Thị Quỳnh Anh ấn tượng nhất khi một vị khách nước ngoài đến và ghi vào sổ lưu niệm: “Tôi từng tham gia vụ giết người ở đây. Hôm nay trở lại nơi này, tôi cảm thấy vô cùng ân hận vì những gì từng gây ra”.

Người cựu binh trên cũng giống như phần lớn du khách nước ngoài đến Khu chứng tích: Không bao giờ nhận mình là cựu binh trong chiến tranh.

Nhưng trong cuốn sổ ghi lưu niệm trước lúc ra về, họ mới viết rằng mình là cựu binh, thắp nén hương cúi đầu tưởng niệm trước những người đã khuất, tỏ niềm hối hận về những điều họ và đồng đội gây ra.

Khách Việt Nam thuộc nhiều thế hệ cũng tới thăm Khu chứng tích, ai cũng tỏ ra choáng váng, sốc trước sự tàn ác của chiến tranh. Hướng dẫn viên Phạm Thị Quỳnh Anh kể: “Có đoàn sinh viên đến đây, một nữ sinh viên khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về vụ thảm sát đã sốc, ngất tại chỗ”.

Ký ức kinh hoàng về thảm sát Mỹ Lai 47 năm trước

Theo cuốn tài liệu “Nhìn lại Sơn Mỹ” tại Khu chứng tích, ngày 16.3.1968, tràng pháo kéo dài 30 phút nhất loạt dội vào 4 thôn trong xã Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Tràng pháo dứt, 2 chiếc trực thăng bay đến, khạc đạn rocket và đại liên vào các điểm dân cư.

Kế đến, khoảng 20 chiếc trực thăng đổ quân xuống. Lính Mỹ chia thành tốp, sục đến từng nhà, tìm đến từng hầm.

img
Bức ảnh về một gia đình bị thảm sát trưng bày trong khu chứng tích

 

Nhà bị sục đầu tiên là ông Lệ có 15 người trong hầm đang trú ẩn. Thấy lính Mỹ kéo đến, 8 người trong hầm bước ra, liền bị xả súng bắn, tất cả ngã gục, xác đè lên nhau. Lính Mỹ tiếp tục giật mìn, 7 người còn lại trong hầm, xác nát nhừ.

Một người khác, cháu Đức 8 tuổi – con chị Trinh từ hầm chạy ra liền bị bắn chết khi trong miệng còn đang nhai đầy cơm. Giết xong cháu bé, tốp lính Mỹ đặt mìn, giật tung hầm giết chết cả 7 người gồm mẹ con chị Trinh, ba mẹ con chị Hòa, không một ai toàn thây.

Một sản phụ là chị Võ Thị Mại vừa mới sinh hôm trước, sức yếu không kịp xuống hầm đã bị lột hết quần áo, đè xuống hãm hiếp cho đến chết. Đứa bé sơ sinh gào khóc và hai đứa con nữa trong hầm cũng bị gọi ra bắn chết.

Chị Ngôn ở Mỹ Lai đang có thai, đến gần ngày sinh, bị lính Mỹ hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê đâm thủng bụng, bào thai lòi hai chân ra ngoài.

Trên một đoạn mương chưa đầy 30m đầu làng, 170 người  bỏ mạng. Sau này, một lính Mỹ khai rõ rằng, anh ta nhìn xuống con mương thấy xác người chồng chất trong vũng máu, toàn người già, phụ nữ, trẻ em.

Trung úy Calley đang bắn những người còn sống đứng hoặc quỳ trong lòng mương. Sau đó Calley bắn tiếp những người mới bị điệu đến. Lính Mỹ cứ tiếp tục giải từng tốp dân làng xuống, lùa họ xuống con mương rồi quay đi để Calley bắn suốt 1 tiếng rưỡi đồng hồ.

Ở tháp canh rìa làng, lính Mỹ điệu người dân đến, gom lại bên dây thép gai, hiếp dâm phụ nữ rồi lùi lại chứng 15 thước. Sau đó dùng đại liên bắn xả vào đám đông, xác người đổ lên nhau chồng chất.

Sơn Mỹ chìm trong khói lửa, lửa tràn thôn xóm, khói cuộn mù trời, máu ngập đỏ lòng mương, đường làng. Xác người ngổn ngang trên đường làng, ngõ xóm, nhà cửa cháy rụi.

Trong số 504 người bị sát hại có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 178 trẻ em (56 em dưới 5 tháng tuổi)... Có 247 căn nhà bị thiêu rụi, hàng nghìn trâu bò, gia súc bị giết.

Tình báo Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ẩn náu tại làng Sơn Mỹ. Lục quân Mỹ quyết định tổ chức một cuộc tấn công lớn vào những thôn bị nghi ngờ. Tuy nhiên, lính Mỹ không tìm thấy các thành viên của tiểu đoàn 48 tại ngôi làng. Thay vào đó họ chỉ thấy dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, người già.

Theo tài liệu “Nhìn lại Sơn Mỹ” của Sở VHTT-DL Quảng Ngãi, nhìn lại Sơn Mỹ – một sự kiện đau thương không phải để khơi gợi hận thù mà để cũng hiểu về một sự kiện không thể bỏ qua và để cùng phấn đấu cho hòa bình...