Dân Việt

Còn mãi câu ca “đưa cơm cho mẹ đi cày”

Mai An 04/05/2015 10:30 GMT+7
Với những thế hệ người Việt Nam lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả những năm tháng về sau này, không ai là không yêu bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ gắn bó nhất với các thế hệ tuổi thơ qua những ca khúc “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Rửa mặt như mèo”, “Tiếng chim trong vườn Bác”...

Giờ thì ông đã mãi mãi ngủ yên trong thế giới thần tiên mà ông đã vẽ ra cho các bé thơ bằng ca khúc của mình. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích qua đời ngày 1.5, hưởng thọ 75 tuổi.

img
Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích. I.T

Âm nhạc của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích mượt mà, trong trẻo và da diết tình cảm, rất phù hợp với tâm lý của trẻ nhỏ. Có thể nói ông là một người viết nhạc tài hoa khi ở mỗi ca khúc, ông lại tìm ra một chiếc “chìa khóa thần kỳ” để mở cánh cửa vào ngôi nhà tâm hồn trẻ thơ. Lúc thì thơ ngây, ngộ nghĩnh với “meo meo rửa mặt như mèo, xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu”. Có lúc lại da diết với “mai đây chiến thắng bố về, bố nghe mẹ kể chuyện con”, có lúc lại náo nức tưng bừng “bay lên nào em bay lên nào, ngày vui toàn thắng tưng bừng pháo hoa”...

Một thế hệ của ông, những nhạc sĩ viết cho thiếu nhi nổi tiếng như Phong Nhã, Phạm Tuyên, Hoàng Long- Hoàng Lân, Trương Quang Lục... được khán giả vô cùng yêu quý cũng bởi tình yêu mà các nhạc sĩ dành cho các em là vô bờ bến. Với các ca khúc của mình, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là một người thầy lớn về thẩm mỹ âm nhạc, đã dạy cho các em biết yêu cái đẹp thuần khiết và thánh thiện của từng giọt sương, tiếng chim, lá cây, ngọn cỏ. Người nhạc sĩ đã giấu nỗi đau vào lòng, để viết ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày” vào mùa hè năm 1970, miền Bắc ngập chìm trong mưa bom và ông mất người con gái đầu lòng. Bởi thế nên nghe thấp thoáng trong từng nốt nhạc của ca khúc này, người ta thấy một nỗi buồn, một nỗi xót thương những em bé phải gánh vác nỗi vất vả của người lớn trong hoàn cảnh tên bay đạn lạc.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đã có lần tâm sự: “Năm tôi 52 tuổi, đã định nghỉ sáng tác rồi, nhưng cứ liên tục bị mọi người đến “đòi bài”, “xin bài” nên thành ra không ngừng nổi. Thêm vào đó, tôi cứ nghĩ đến các em, các cháu thiếu nhi đang thiếu bài hát mới nên lại cố gắng tiếp tục để viết bài cho các em”.

Người nhạc sĩ luôn nhận mình là “nghiệp dư” và mô tả viết nhạc cho thiếu nhi “khó như múa trên một chiếc chiếu con” ấy đã mãi mãi yên nghỉ ở tuổi 75 sau một thời gian bệnh nặng. Nhưng âm nhạc của ông mãi còn, cũng như tình yêu của ông dành cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên, phai nhạt. Sẽ còn những thế hệ người Việt học được từ những bài hát của ông một tình yêu lớn dành cho con người, cho thiên nhiên bao la. Cho dù đã bao năm qua, câu hát da diết tình cảm “em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày” vẫn đồng hành với những thế hệ thiếu nhi Việt Nam, bởi nó đã trở thành một dấu mốc không thể quên trong lịch sử đất nước.