Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) là con trai PGS.TS Đỗ Xuân Thảo và chị Phan Hồ Điệp (hai vợ chồng đều công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội). Tháng 9/2014, Nhật Nam lần đầu sống xa gia đình, trở thành du học sinh tại trường St. Paul The Apostle (Mỹ). Nhật Nam trưởng thành ở nước ngoài khi lần lượt ghi nhiều kỳ tích.
Trên Facebook cá nhân, chị Phan Hồ Điệp thường xuyên chia sẻ những kỷ niệm xúc động về con trai, qua đó rút ra được những bài học sâu sắc về cách nuôi dạy con.
Trong bài viết Nước mắt mẹ, chị Điệp kể lại câu chuyện tình thương và roi vọt với nhiều suy ngẫm.
Hai mẹ con Đỗ Nhật Nam.
Chị mở đầu câu chuyện: “Không ai đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa, như thế là làm đau cho chính tay người đánh. Chỗ đau vì khẽ đánh đó chắc là hết ngay rồi, nhưng chỗ đau không thấy ở trong lòng người đánh và người bị đánh. Chuyện tình yêu là vậy, chuyện đánh đòn của bố mẹ với con cái, chắc cũng không khác là mấy, cùng là 'tình yêu' mà”.
14 năm nuôi dạy con, chị Phan Hồ Điệp đánh Đỗ Nhật Nam hai lần. Một lần vì hiểu lầm, lần khác do quá lo lắng cho con. Sau đòn roi, người mẹ lại òa khóc.
Chị kể lại: “Lần đầu tiên là những ngày đầu khi Nam học lớp 1. Hôm đó, Nam về đến cổng đã khoe với mẹ: 'Hôm nay, em được hai điểm mười'. Hai mẹ con cười tíu tít. Chả là những ngày đầu đi học, Nam toàn điểm 5, 6 thôi, hôm nay được những hai điểm 10, vui là phải. Xong, hai mẹ con chơi đùa, đọc sách, ăn tối, nghe nhạc, xem phim, quên chuyện hai điểm 10”.
Đến gần lúc chuẩn bị sách vở cho buổi đi học hôm sau, mình mới hỏi: 'À, chàng trai cho mẹ xem hai điểm 10 oách xà lách của em nào'. Nam tròn xoe mắt, ngơ ngác: 'Ơ, mẹ nhầm à, làm gì có điểm 10 nào đâu mẹ'. Mình ngạc nhiên hết cỡ, nói: 'Em khoe với mẹ mà'.
Mình đi từ giá sách ra chỗ Nam bằng những bước chân giận dữ, mặt đỏ lên. Có lẽ Nam nhìn điệu bộ của mẹ sợ quá nên òa khóc. Mình càng bực tức. Mình phát vào mông con và nói: “Em nói dối mẹ. Mẹ đánh để em nhớ. Em nhớ nhé”. Nam càng khóc to hơn, nức nở. Mình bỏ vào nhà".
Ngày hôm sau, lo lắng con không trung thực, chị đến gặp cô giáo. Nghe cô kể chuyện, chị biết đã hiểu nhầm con. Nhật Nam được hoa điểm 10 nhưng mẹ nghe không rõ nghĩ rằng điểm 10. Cậu bé nghĩ mẹ không thích hoa điểm 10 nên sợ quá, không giải thích.
Trận đòn đã khiến người mẹ bật khóc trên đường từ trường về nhà.
Trận đòn thứ hai, trong lần du lịch tại đồng Tháp, Nam đi vào vũng bùn lầy, bị lún xuống. Trong lúc bố hốt hoảng kéo con lên, chị đánh liền mấy cái lên người con. Đỗ Nhật Nam òa khóc. Người mẹ cũng không hiểu mình vừa làm gì.
“Về sau, khi bình tĩnh, mình nghĩ đó chính là hành động vì mình thương con quá mà không biết làm gì. Nói như vậy cho 'nhẹ tội' nhưng hình như là đúng” – chị tâm sự.
Chị suy ngẫm về cách dạy con: “Mình cũng không phản đối việc một đứa bé cá tính mạnh cần kỉ luật nghiêm khắc. Nhưng ở đây, mình chỉ nói, ai bị tổn thương nhiều nhất khi đánh trẻ, có lẽ chính là người đánh. Hôm trước đi quay cùng một bạn rất nổi tiếng và đáng yêu. Bạn ấy tâm sự: 'Chị ơi, em sợ những trận đòn của mẹ em kinh hoàng. Sợ cái roi mẹ em để ngay đầu giường đến mức khi em 16 tuổi, em gần như bị trầm cảm. Nhưng mà có lẽ, nhờ những trận đòn đó mà em được như ngày nay'. Vậy đó, khó có thể nói như thế nào là đúng nhất. Một cỡ áo không vừa cho tất cả mọi người”.
Từ mỗi trận đòn của con, mỗi kỷ niệm gắn liền con là nước mắt của người mẹ đặt câu hỏi: “Bao nhiêu nước mắt, nước mắt vì buồn, vì lo, vì vui, vì ân hận, vì tự hào của bố mẹ đủ để một đứa con lớn lên?”.