Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình, tổng kết thực tiễn 10 năm qua cho thấy, hiệu quả hoạt động của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn chưa cao, vì vậy việc mở rộng diện cho các cơ quan này trong điều kiện hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần được cân nhắc. Do đó, Dự thảo xây dựng 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Về quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, đại diện Viện KSNDTC cho rằng, Viện KSNDTC tiếp thu các ý kiến và thể hiện rõ hơn theo Điều 14 Công ước Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. Cụ thể: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Về ý kiến của Bộ Công an đề nghị không quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can, Viện KSNDTC giải trình: Quy định về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, ngoài ý nghĩa tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động hỏi cung, còn là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật- đây cũng là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, của nhân dân. Vì vậy, Viện KSNDTC đề nghị quy định vấn đề này trong bộ luật.