Dân Việt

Góp sức nhỏ cho cộng đồng hưởng lợi

Nguyễn Lê 05/05/2015 09:33 GMT+7
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) đang xuất hiện nhiều mô hình hoạt động xã hội hay và thiết thực, mang lại lợi ích to lớn cho cả cộng đồng...

Tự mở lớp xóa mù chữ

Giàng A Của là nhân viên y tế thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai). Được đi học, biết nhiều, Của nhận thấy hầu hết các chị em trong thôn mình chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, do không biết chữ.

img
Chị Nguyễn Thị Lâu dùng mô hình để tuyên truyền cho bà con hiểu về tầm quan trọng của rừng.      N.L

Năm 2013, anh Của trình bày ý tưởng của mình trong một buổi họp thôn và đề xuất mượn nhờ lớp học của điểm trường để dạy chữ cho chị em phụ nữ trong thôn vào buổi tối. Không chỉ được sự chấp nhận của thôn mà lớp học của anh đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các chị em. Ngay buổi học đầu tiên đã có 24 người tham gia. Anh Của vừa tự mình làm thầy, vừa bỏ tiền ra để mua sách vở cho các học viên. Tuy nhiên do không đủ kinh phí để duy trì, nên lớp học mở được 18 ngày đành phải bỏ dở. Nhưng chỉ bấy nhiêu ngày thôi, trong số 24 chị em đến lớp đã có 4 người thoát mù chữ.

 

Chị Hạng Thị Xa - người đã thoát mù chữ sau khi tham gia lớp học của anh Của, hồ hởi kể: “Cứ tưởng đi học sẽ mất thời gian, học xong cũng chẳng để làm gì. Nhưng từ khi biết chữ mình làm việc gì cũng thuận lợi hơn nhiều. Lên xã làm giấy đăng ký khai sinh cho con cũng dễ dàng, lại còn đọc được báo để mở mang đầu óc”.

Giàng A Của cho hay: “Do mình là người Mông, biết cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, vừa dạy vừa phiên dịch ra nên bà con mau hiểu, hiệu quả cao hơn so với các lớp học bình thường. Mình tiếc là lớp học không duy trì được lâu, nhưng bước đầu đã mang lại lợi ích nhất định cho các chị em. Ai đã học được rồi không bao giờ quên”.

Tổ phụ nữ bảo vệ rừng

Quan điểm

Chị Hạng Thị Xa
  Cứ tưởng đi học sẽ mất thời gian, học xong cũng chẳng để làm gì. Nhưng từ khi biết chữ mình làm việc gì cũng thuận lợi hơn nhiều. 
Còn chị Nguyễn Thị Lâu, người dân tộc Tày ở xóm Thượng Trung, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) lại có sáng kiến đứng ra thành lập tổ phụ nữ quản lý rừng cộng đồng. Chị Lâu kể: “Ở đây chúng tôi sống nhờ chủ yếu vào rừng. Thấy rừng nhà mình bị chặt trộm, bị nhà hàng xóm đốt rừng cháy lan sang, tôi rất bức xúc, nên đã nhờ chị Chi hội trưởng Phụ nữ triệu tập một cuộc họp bất thường, với sự có mặt của 33 chị em trong thôn. Trong buổi họp, chúng tôi còn được biết, tình trạng chặt phá rừng cũng xảy ra ở nhiều nhà khác. Nhưng có điều, tất cả diện tích rừng bị đốt, chặt phá đó đều liên quan tới các thành viên, gia đình của chị em. Chúng tôi đã nhắn nhủ các chị em đó về khuyên bảo chồng, con cháu không nên làm như thế, không chỉ phá rừng mà còn ảnh hưởng tới kinh tế nhà mình. Cũng từ đó, đã manh nha hình thành nên mô hình phụ nữ quản lý rừng cộng đồng”.

 

Ban đầu tổ gồm 3 người, trong đó có chị Lâu làm tổ trưởng và hai tổ phó là công an viên và thôn đội trưởng. Các chị xây dựng thành quy ước trong thôn bản, tuyên truyền cho bà con kiến thức về rừng, tổ chức hội thi, diễn các tiểu phẩm, trồng thêm các cây bản địa để giữ rừng. Chỉ riêng năm 2014, tổ bảo vệ đã thông tin cho Ban quản lý lâm nghiệp xã, kiểm lâm huyện bắt được 3 vụ chặt gỗ trong rừng phòng hộ thuộc địa bàn thôn quản lý.