Theo hồ sơ, tháng 8.2011, bà Ước vay của bà L.T.B 200 triệu đồng, thế chấp bằng giấy đỏ với thỏa thuận mỗi tháng trả lãi 12 triệu đồng. Sau khi nhờ người lấy lại giấy đỏ không thành, bà Ước làm thủ tục xin cấp lại theo diện mất giấy thì bà B phát hiện, tố cáo.
Bà Ước bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước sau bà đều kêu oan rằng bị hình sự hóa quan hệ dân sự vì trong giấy vay tiền không thể hiện việc trả lãi 12 triệu đồng/tháng và thời hạn trả nợ gốc là ba tháng như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, xử sơ thẩm hồi tháng 9.2014, TAND huyện Chơn Thành vẫn phạt bà 10 năm tù.
Bà Nguyễn Thị Ước, người đang kháng cáo kêu oan. Ảnh: T.T
Bà Ước kháng cáo kêu oan. Trong đơn kháng cáo, bà Ước còn cho rằng ngay từ đầu các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi điều tra viên và thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lại chính là những người từng làm oan bà trong vụ án oan gần 10 năm trước. Theo bà Ước, việc phân công cán bộ tố tụng như vậy sẽ không đảm bảo tính vô tư, khách quan ngay từ giai đoạnđiều tra đến xét xử.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, trong vụ án oan trước đây, bà Ước cho bà H vay 3,5 triệu đồng cùng hai chỉ vàng, hẹn đến tháng 8.2002 phải trả. Đến hẹn, bà H không trả nợ nên bà Ước viết đơn báo cho ban tổ ấp 1 (xã Nha Bích, Chơn Thành) rồi đưa xe máy của bà H về trụ sở chính quyền địa phương nhờ giải quyết. Trước sự chứng kiến của cán bộ địa phương, hai bên thỏa thuận bà H trả tiền, bà Ước giao xe lại. Nhưng cuối năm 2002, bà Ước lại bị cơ quan tố tụng huyện khởi tố, truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi bị TAND huyện Chơn Thành phạt 10 tháng tù, bà Ước kháng cáo kêu oan. Tháng 9.2004, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để giải quyết lại từ đầu. Sau đó VKS huyện rút quyết định truy tố và TAND huyện đình chỉ vụ án. Tháng 11.2009, TAND huyện Chơn Thành đã tổ chức xin lỗi công khai, đăng lời xin lỗi trên báo và bồi thường cho bà Ước 22 triệu đồng.