Thông tin trên được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an Hà Nội) cho biết ngày 7.5.
Ảnh minh họa.
Bà T (52 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong số các nạn nhân bị lừa đảo.
Theo điều tra, ngày 15.4, bà T nhận được cuộc gọi vào số máy để bàn, đối tượng thông báo bà T nợ hơn 8 triệu đồng cước điện thoại. Không hiểu vì sao nhà mình lại nợ tiền điện thoại nên bà T thắc mắc thì đối tượng hướng dẫn nhấn nhánh số để được tư vấn thêm. Khi bà T làm theo thì được thông báo rằng bà T có đăng ký số điện thoại ở Tây Ninh nhưng chưa thanh toán cước. Đối tượng nói, vì số máy ở Tây Ninh nên sẽ chuyển cho Công an Tây Ninh để giải quyết.
Bà T làm theo thì có một đối tượng nghe máy và xưng là công an tỉnh Tây Ninh. Đối tượng nói rằng, số tài khoản ngân hàng của bà T đã bị các kẻ xấu đánh cắp. Kẻ lừa đảo yêu cầu bà T chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản mà đối tượng nói là của lực lượng công an. Đối tượng còn trấn an bà T rằng sau 1 đến 2 ngày sẽ chuyển trả lại.
Tin lời, bà T rút 400 triệu đồng và chuyển vào số tài khoản của kẻ lừa đảo cung cấp. Nhiều ngày sau đó, bà T không thấy được chuyển trả tiền nên tới công an trình báo.
Theo PC50, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện qua Internet vào các thuê bao của các bị hại ở trong nước để thông báo với bị hại với nội dung đang nợ cước điện thoại, hoặc số tài khoản ngân hàng của bị hại bị kẻ xấu chiếm đoạt để dùng vào mục đích xấu. Đồng thời với thông báo trên, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ tiền vào một tài khoản khác, sau đó sẽ chiếm đoạt.
Tính từ đầu tháng 4.2015 đến nay, Công an Hà Nội đã nhận được 13 đơn trình báo của bị hại với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 3 tỷ đồng.
Để tránh sập bẫy của loại tội phạm này, PC50 khuyến cáo người dân cần thận trong kiểm tra trước khi chuyển tiền. Thêm nữa, người dân cần chú ý, cơ quan công an khi làm việc với nhân dân thì đều có giấy mời, giấy triệu tập để đến làm việc. Ngoài ra, cơ quan công an không mở tài khoản ngân hàng mang tên một cá nhân nào.