Dân Việt

6 sự thật ngạc nhiên về cú đạp của thai nhi

Đời sống & Pháp luật 08/05/2015 08:31 GMT+7
Đã bao giờ bạn tự hỏi các cú đá của thai nhi có ý nghĩa gì chưa, nếu chưa thì dưới đây là một vài điều bạn nên biết về các cú đạp của thai nhi.

Không phải chỉ là cú đá

Chúng ta đều biết rằng khi em bé phát triển sẽ bắt đầu cử động trong bụng mẹ. Ta thường gọi là trẻ đạp nhưng thực sự nó không hẳn là một cú đạp. Nó có thể là sự chuyển động cơ hoành, các động tác duỗi chân tay của bé, một cú nhào lộn hoặc một động tác chuyển từ bên này qua bên kia.

img

Bạn đã biết ý nghĩa những cú đạp của thai nhi?

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyển động này đều được người mẹ cảm nhận. Vào những khoảng thời gian đầu, người mẹ chỉ cảm thấy một cảm giác rung hoặc nôn nao trong bụng.

Trẻ đá để phản ứng với môi trường

Trong dạ con, bé cố gắng duỗi chân tay để thư giãn hoặc di chuyển và do đó bạn cảm thấy như những cú đạp. Tiến sĩ Vadeyar nói: “Những động tác hay cú đá là một phần trong sự phát triển bình thường của bé. Một em bé cũng có thể di chuyển hoặc đá để phản ứng với một kích thích từ bên ngoài như âm thanh, ánh sáng hoặc thậm chí những thực phẩm mà người mẹ ăn”.

Bé hay đá sau bữa ăn

Một em bé khỏe mạnh phát triển bình thường có thể đá từ 15 đến 20 lần trong một ngày. Thông thường bé sẽ đá nhiều hơn sau bữa ăn hoặc khi nghe thấy những âm thanh lớn.

Bé bắt đầu đá sau 9 tuần

Bé bắt đầu đá sau 9 tuần nhưng những cú đá đó chỉ có thể được phát hiện qua siêu âm và người mẹ chưa thể cảm nhận được. Một bà mẹ bình thường cảm nhận được cú đá của bé sau 18 hoặc 19 tuần.

Số lần đá giảm đi có thể báo hiệu điều gì đó

Một em bé khỏe mạnh sẽ đá khoảng 15 đến 20 lần trong ngày. Do vậy, nếu số lần đá giảm đi thì điều đó có thể là thai nhi không nhận được đầy đủ dinh dưỡng và oxy. Để đánh giá chính xác nguyên nhân cần phải siêu âm, xét nghiệm và kiểm tra nhịp tim thai nhi.

Đôi khi qua đó người ta phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng ở em bé và sẽ có biện pháp kịp thời để cứu em bé khỏi đau khổ.

Trái ngược với niềm tin phổ biến rằng một em bé đạp ít hơn nghĩa là nó có tính cách hiền lành hơn, thực tế, thai nhi cử động ít hơn bình thường là một tín hiệu cần sự giúp đỡ. Nếu thai nhi không cử động trong hơn 1 giờ dù người mẹ ăn một cái gì đó thì đây có thể là một điều đáng lưu tâm. Đôi khi cử động thai có xu hướng chậm lại nếu mức đường của người mẹ giảm.

Cử động thai giảm không phải luôn luôn là tín hiệu rắc rối

Đôi khi em bé cũng nghỉ ngơi trong tử cung. Thời gian nghỉ ngơi này vào khoảng 40 đến 50 phút là bình thường. Nó chỉ là bất thường nếu hơn 1 giờ mà trẻ vẫn không đạp. Ngoài ra, sau tuần thứ 36, thai nhi cũng có thể ít đạp hơn do không gian trong tử cung đã chật hẹp không thể cử động nhiều.