Dân Việt

Bậc thầy văn học tội phạm thế kỉ XX và ám ảnh “bóng đen” tù tội

“Vì sao tôi lại bị đánh giá vì quá khứ của mình, mà không phải là vì những điều tốt tôi đang làm hiện tại?” là câu hỏi ngàn đời của nhà văn trinh thám nổi tiếng Anne Perry. Tuy vậy, hơn ai hết, bà biết quá khứ đen tối sẽ luôn bắt kịp và phủ bóng đen lên cuộc đời bà.

Juliet Hulme - Cuộc đời phạm tội từ khi vị thành niên

Nhìn người phụ nữ với dáng dong dỏng cao, cử chỉ thanh nhã, ánh mắt long lanh ánh lên vẻ đẹp trí tuệ, ít ai nghĩ rằng tác giả nằm trong danh sách “100 bậc thầy văn học tội phạm thế kỉ XX” của tạp chí Times lại có một quá khứ đen tối đến vậy. Nhưng từ ánh nhìn trực diện, trầm mặc và bình tĩnh của bà, có lẽ, bà đã luôn chuẩn bị cho thời điểm quá khứ của mình bị tiết lộ.

img
 Nữ nhà văn Anne Perry

Anne Perry là tác giả trinh thám bán chạy nổi tiếng từ 50 năm nay. Hai series truyện trinh thám nổi tiếng nhất của bà có những yếu tố đặc biệt, gợi tò mò cho khán giả. Series về hai thám tử nhà Pitt, mở đầu với cuốn Người treo cổ phố Carter, lấy bối cảnh các vụ điều tra là London thời kì nữ hoàng Victoria I, tức thế kỉ XVIII. Series truyện thứ hai của bà không chỉ đặt bối cảnh xa hơn 35 năm nữa trong quá khứ, mà còn nói về Monk – một thám tử bị bệnh mất trí nhớ. Đến nay, ở tuổi 76, bà vừa xuất bản cuốn thứ 21 của series này, và ngay lập tức lại lọt vào top đầu sách bán chạy của New York.

Những câu chuyện của Anne Perry luôn phủ đầy sự mập mờ không rõ ràng của những lằn ranh đạo đức, sự hối lỗi, chuộc tội, và cả một chút nữ quyền. Có lẽ, bà đã luôn đưa những suy nghĩ về vụ án mà mình đã nhúng tay vào các tác phẩm của mình. Vào năm 15 tuổi, khi còn sống ở New Zealand, Juliet Hulme – tên thật của Anne Perry – đã cùng bạn mình đánh mẹ của cô bạn khiến bà tử vong.

Luôn viết về các nhân vật bị đẩy đến đường cùng, cô Juliet Hulme cũng đã bị đẩy đến đường cùng vào cái năm định mệnh ấy.  Juliet là một đứa trẻ dễ ốm, bị chuẩn đoán viêm phổi từ năm 13 tuổi. Sinh ra trong thời chiến, lại bị bệnh tật hành hạ, cô không được đến trường thường xuyên như những trẻ em khác. Người bạn duy nhất của cô là Pauline Parker, một cô bé kém cô 2 tuổi. Họ quen nhau trong viện. Bị cha mẹ thường xuyên không đoái hoài, hai cô gái chỉ có nhau làm bạn, sống dựa vào nhau, và thậm chí Pauline ở nhà Juliet còn nhiều hơn ở nhà mình.

3 ngày trước khi hai cô gái hạ sát mẹ của Pauline, Juliet phát hiện ra mẹ cô đang ở trên giường với người đàn ông khác. Cô càng bị sốc hơn khi biết bố cô cũng đã biết từ lâu, và bố mẹ cô sắp li dị. Juliet sẽ bị gửi đi đến nhà một người dì ở Nam Phi. Juliet và Pauline đã rất đau khổ khi nhận được tin, nhưng hai cô gái lại hi vọng, với ý nghĩ chỉ cần được mẹ Pauline chấp thuận, hai cô gái có thể sống cùng nhau ở Nam Phi. Nhưng có cảm nhận mối quan hệ của hai cô gái không được bình thường, bà đã không chấp nhận.

img
Pauline Parker (trái) và Juliet Hulme (phải)

Phải nói rằng, vào thời kì sau thế chiến thứ hai, đồng tính vẫn còn là một chủ đề cấm kị của các xã hội theo phương Tây. Thời đó, đồng tính còn bị coi là một căn bệnh tâm lí.

Tuy mối quan hệ của hai cô gái hoàn toàn trong sáng, bà mẹ đã dựa vào một kết luận của bác sĩ tâm lí, cho rằng Pauline có thiên hướng đồng tính nữ, để không cho cô đi. Quá đau khổ, Pauline không thể ăn uống được. Cô nôn ra bất cứ bữa ăn nào và sút cân trông thấy. Cơn hận thù của Pauline lên đến đỉnh điểm khi cô đặt kế hoạch sát hại mẹ mình, và đe dọa sẽ tử tự nếu không thành. Juliet, thấy tình cảnh bạn như vậy, cảm thấy mắc nợ cô gái phải đồng lõa trong vụ việc.

Và cuối cùng Juliet và Pauline đã thành công. Hai cô gái dụ mẹ Pauline ra công viên và sát hại bà.

Sự chuộc tội của Anne Perry

Ngay lập tức, hai cô gái vị thành niên bị bắt. Cuộc điều tra vụ án đẫm máu và nhẫn tâm làm rung động xã hội New Zealand. Hai cô gái bị xét xử và bị xử án tù 5 năm, riêng biệt.

Juliet đã mất 5 năm cuộc đời mình trong trại tù nữ Mt Eden, nơi có lẽ là “khủng khiếp nhất nửa bán cầu Nam”. Lúc đó, Juliet là đứa trẻ duy nhất trong trại tù, cô bị giam riêng biệt đến 3 tháng trong một nhà giam bé nhỏ. Anne Perry nhớ lại: “Trong đó rất lạnh, có chuột, chăn bằng vải bạt và quần lót bằng vải in hoa. Tôi phải giặt khăn kinh nguyệt của mình và họ bắt tôi lao động thể chất cho đến khi ngất đi vì mệt.”

“Nhưng đó là những điều tốt đẹp nhất từng xảy đến với tôi.” Anne Perry khẳng định. “Đó là lúc tôi quỳ xuống và hối lỗi. Đó là cách tôi chịu đựng và sống sót, trong khi những người khác suy sụp. Tôi là người duy nhất nghĩ, tôi có tội, tôi nên bị trừng phạt.”

Sau khi ra tù, Anne Perry làm mọi cách để làm lại cuộc đời. Đó là một trong những điều khó khăn  nhất với bà,phải từ bỏ mọi quá khứ từng có ở đằng sau, cố gắng xây dựng lại cả một cuộc đời mới. Bà cùng mẹ chuyển đến sống ở Scotland, gia nhập giáo xứ Mormont. Cộng đồng trầm lắng và nhân hậu đã chấp nhận bà. Cũng từ đây, bà trang trải cho cuộc sống bằng cách làm đủ mọi nghề từ thư kí đến bán hàng, và bắt đầu làm điều bà yêu hơn tất cả: viết lách.

img
Hóa thân của Anne Perry và Pauline Parker trong phim

35 năm sau khi được ra tù, bà đã trở thành một nhà văn trinh thám nổi tiếng ở Bắc Mỹ, dù ở Scotland, bà vẫn chỉ là một người dân sống trầm lặng. Bà tránh những cuộc phỏng vấn, cũng như tách biệt khỏi giới truyền thông. Nhưng một lần nữa, cuộc sống của bà bị đảo lộn. Vào năm 1994, bộ phim Những Sinh vật Siêu phàm của Peter Jackson ra đời, kể lại toàn bộ câu chuyện thời niên thiếu của bà, và một phóng viên ở New Zealand đã tiết lộ danh tính Anne Perry.

Anne Perry chỉ biết tin này ngay trước ngày công chiếu, khi đại diện của bà báo tin.

“Thật không công bằng. Mọi nỗ lực của tôi để sống như một công dân tốt bị đe dọa. Một lần nữa, cuộc đời tôi bị diễn dịch lại bởi một kẻ khác. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã chịu đựng một phiên tòa mà tôi không được phát biểu, và phải nghe những lời dối trá. Và bây giờ, không ai thèm hỏi ý kiến tôi trước khi làm phim. Tôi chỉ sợ, điều này sẽ giết chết mẹ tôi”, Anne bày tỏ.

Có lẽ, đó là lí do bà đã đồng ý cho Drayton, một nhà văn tiểu sử, ghi chép lại và bàn luận về cuộc đời bà, để viết cuốn tiểu sử Anne Perry. Đó là 9 ngày nói chuyện ròng rã, 9 ngày như một cuộc đối chất căng thẳng giữa cô bé Juliet và bà Anne. “Tôi ghét cái cách mọi người nhìn bà ấy sau khi mọi chuyện vỡ lở”, Drayton nói. “Mọi người cần phải biết bà ấy đã vượt qua và thay đổi và tiến bộ và đóng góp cho xã hội này đến mức nào, từ những sai lầm thời xưa. Tôi nghĩ, bạn không thể giam một người trong một “nhà tù” định kiến suốt đời được”, nhà văn này cho biết thêm.

Và có lẽ, những công sức của Anne Perry đã có kết quả. Những người quan trọng nhất với bà – bạn bè mới, gia đình mới – tất cả đã không quay lưng lại với bà. “Khi tôi hỏi thẻ thành viên nhà thờ Mormont có bị thu lại vì những việc này, một vị cao niên đã bảo tôi “Chúa đã gọi cô đến đây và Người biết. Không một người bạn nào sẽ bỏ rơi cô vì chuyện này.” Và ông ấy đã đúng. Có vẻ khó tin, nhưng tôi đã học được cách tin vào lòng tốt và sự cảm thông của những người bạn. Không một người bạn nào biến mất. Tôi thật sự ngỡ ngàng.”

Không phải ai cũng có cơ hội lần thứ hai. Anne Perry đã may mắn có được và làm hết sức mình có thể để chuộc tội. Tác phẩm của bà đã phản ánh lên những suy nghĩ này, làm bất kì độc giả nào cũng phải tự soi chiếu lại bản thân mình. Đó mới thật sự là di sản bà để lại cho thế giới, bắt nguồn từ một lỗi lầm thời trẻ.