Dân Việt

Sự vĩ đại mang tên Quảng Châu

13/11/2010 09:18 GMT+7
(Dân Việt) - Trung Quốc đã không bỏ qua một cơ hội nào để quảng bá đất nước mình. ASIAD 2010 tại Quảng Châu minh chứng điều ấy...
img
Ông Lý Sinh trong vai trò tình nguyện viên.

Nỗi buồn mang tên "Vĩ đại"

Quảng Châu những ngày này vui như Tết! CĐV các nước mang khuôn mặt háo hức khi đến nơi mà cả thế giới kiêng nể về mặt tài chính. Thì đã có câu phương ngôn rồi "Đến Bắc Kinh mới biết mình bé (toàn lãnh đạo cao cấp ở đây) - "Đến Thượng Hải mới biết mình yếu" (Ăn chơi khủng khiếp) - và đến Quảng Châu mới biết mình nghèo". Có ASIAD, người dân Quảng Châu lại càng vui hơn, đây là sự kiện xứng tầm đầu tiên đối với thành phố của họ.

Thế mà vẫn có người buồn!

Dãy phố Quan Huy buồn hiu hắt, thảng có một vài khách du lịch đến chỉ để chụp ảnh cho biết Quảng Châu. Buồn bởi đây là phố bán áo mưa và ô, dù. Oái oăm thế nào, Chính phủ Trung Quốc lại cho phóng ngay mấy chiếc tên lửa lên không trung để xua mây, giữ cho Quảng Châu không mưa trong những ngày diễn ra ASIAD. Không mưa thì có ai mua áo mưa? Không bán được hàng, thu nhập kém thì buồn, thế thôi.

Hỏi đến 3 lần, mới biết ông chủ cửa hàng số 27 của phố này tên là Lý Sinh. Ông Lý cười phơi lợi (sau này, ông bảo người Trung Hoa ít làm răng giả dù tiền họ không thiếu): "Mấy thằng cháu nói rằng từ giờ đến hết tháng 11 dương lịch sẽ không có mưa. Chính phủ bảo thế".

Những vấn đề phức tạp về kinh doanh được ông gói gọn lại một câu: "Mở cửa hàng ra để ngắm phố cho vui thôi".

Khi biết chuyện bắn tên lửa ngăn mưa vì lý do nơi đây tổ chức ASIAD, ông Lý còn ngạc nhiên hơn tôi, ông cười nói một tràng dài hơn danh sách các vận động viên các nước đến đây.

Người phiên dịch quay sang tôi bảo: "Em dịch ý chính thôi nhé, những cái dài dòng kia ông ấy nói về Kinh kịch".

Cả hệ thống ngôn ngữ dài dòng của ông Lý tóm lại chỉ là: "Tôi không quan tâm đến đại hội thể thao gì gì đó. Từ đầu tháng đến giờ mình bận theo dõi cuộc thi Kinh kịch của hương trấn Giao Hà quê tôi".

Gớm thật! Hoá ra, kể cả cuộc thi Kinh kịch của một hương trấn (hình như bằng một xã bên ta) cũng có truyền hình trực tiếp và cũng rất nhiều người đam mê. Thế mới biết hai chữ "hội nhập" và "truyền thống" được những người dân Trung Hoa phân định rạch ròi lắm.

Chán cho cuộc làm ăn, ông Lý vớ lấy cái xe đạp, đeo lên cổ tấm biển tình nguyện viên ra đứng ở ngã tư làm công việc dọn vệ sinh phố phường. Hễ khách du lịch vứt bừa cái gì thì những tình nguyện viên này nhặt cho vào bao rác treo bên yên xe.

Viết tên mình trên bản đồ thế giới

"Từ bỏ những gì vĩ đại để xây dựng thứ vĩ đại hơn" - đó là cái cách mà Trung Hoa viết tên mình trên bản đồ thế giới.

Người ta sẵn sàng cho lầu Hoàng Hạc cùng đền Quan Công Võ Thánh chìm sâu dưới hàng trăm mét nước khi con đập lớn nhất thế giới được xây dựng. Hai biểu tượng kiệt xuất cho văn - võ Hoa Hạ sẵn sàng bị biến mất để đập Tam Hiệp với sự vĩ đại "không thể nào tả nổi" xuất hiện.

Cũng với cái cách ấy, ASIAD Quảng Châu xuất hiện trong sự ngỡ ngàng. Theo những suy nghĩ biển lận, các cơ sở vật chất của Olympic Bắc Kinh sẽ là "tấm đệm" hoàn hảo cho Đại hội thể thao châu Á - Quảng Châu.

Nhưng không! Trung tâm thể thao Tianhe và SVĐ Quảng Châu mới tinh, láng coóng không có dấu vết gì của Bắc Kinh cả. Chương trình khai mạc ASIAD 16 với chủ đề "Đưa nước thánh về với biển cả" đã hàm ý cho sự tự tin của một dân tộc làm chủ nguồn nước thánh.

Cả thế giới đang nín thở chờ dòng nước thánh ở Quảng Châu sẽ hòa vào biển cả thế nào. Trên đường từ sân bay về khách sạn, anh tài xế cho tôi biết: Tất cả các con phố ở Quảng Châu được "khoác áo" mới hoàn toàn, toàn bộ cây cảnh, hoa trước đây bị bỏ đi, thay vào đó là các thảm hoa, các loại cây được sắp xếp hình người trong tư thế của các môn thi đấu tại Đại hội. Kể cũng đẹp cơ mà tốn lắm!”.