Dân Việt

Nông dân bị thu hồi đất ở Hải Phòng: Loay hoay tìm kế sinh nhai

29/06/2013 07:40 GMT+7
(Dân Việt) - Chuyển đổi nghề cho nông dân ở những vùng nhường đất nông nghiệp cho các dự án kinh tế đang thực sự là một bài toán khó giải ở Hải Phòng.

Thất nghiệp vì… ly nông

Thất nghiệp đã hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Độ (52 tuổi, ở xã Thủy Sơn, Thủy Nguyên) chỉ biết quẩn quanh ở nhà. Gia đình ông từng có 4 sào ruộng thì đều nhường lại hết cho dự án đầu tư khu du lịch sinh thái trên địa bàn xã. Số tiền đền bù, hỗ trợ nhận được ông gửi ngân hàng, chỉ dám chi tiêu dè dặt hàng tháng. Cùng tâm sự với ông Độ, bà Vũ Thị Thắm (52 tuổi), ở xã Quang Trung, huyện An Lão cho biết: Khi còn ruộng đất, việc đồng áng nhà nông có vất vả nhưng chúng tôi vẫn có việc làm, có thóc gạo để chăn nuôi con lợn, con gà, thêm phần thu nhập cho gia đình. Giờ nhường đất cho Dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, tôi chẳng biết làm gì, cuộc sống đành dựa vào con cái...

Thủy Nguyên là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất ở Hải Phòng. Theo thống kê của Hội nông dân huyện thì từ năm 2009 đến nay, toàn huyện triển khai hơn 114 dự án đầu tư lớn nhỏ. Tổng diện tích đất bị thu hồi phục vụ các dự án là 2.211ha (chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện), liên quan 26.252 hộ dân với tổng số tiền tiếp nhận đền bù là 2.576 tỷ đồng. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã có hàng nghìn nông dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư, tập trung ở các xã như Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường, Tam Hưng, Lưu Kiếm…

Ông Mạc Văn Khớ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên trăn trở: Nhiều gia đình nhận được tiền bồi thường đem đầu tư mua sắm, xây sửa nhà cửa, mua xe máy... nên chẳng mấy chốc hết tiền. Người nông dân bị thu hồi đất có độ tuổi từ 35 trở lên khó xoay xở tìm công việc mới hoặc chuyển đổi sang các nghề phi nông nghiệp. Nhà cao, cửa rộng nhưng tình trạng thất nghiệp, tái nghèo sẽ là điều khó tránh…

Còn huyện An Lão, theo thống kê của UBND huyện thì từ năm 2008 đến nay, có 36 dự án đã triển khai quyết định thu hồi đất tại địa phương với tổng diện tích 320ha, trong đó có 30 dự án hoàn toàn bồi thường. Tổng số hộ gia đình có đất bị thu hồi là 5.500 hộ. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Duy Đảm từng cho biết: Người nông dân do không còn đất, mất nghề nên cuộc sống hằng ngày khó khăn nhiều hơn. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, không ít người đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, do không có nghề, phải làm thuê theo thời vụ nên thu nhập bấp bênh.

Chuyển đổi nghề chưa hiệu quả

Theo ông Đặng Văn Tâng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hải Phòng: Một trong những giải pháp giải quyết bài toán nghề cho nông dân mất đất là tập trung phát triển kinh tế tư nhân để tạo việc làm, hỗ trợ lao động nông thôn vay vốn, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nghề truyền thống, nhân rộng mô hình trang trại vừa và nhỏ…

Theo khảo sát mới đây của Sở TNMT Hải Phòng, hỗ trợ chuyển đổi nghề hiện nay chủ yếu bằng hình thức chi trả tiền trực tiếp hoặc thông qua các trường đào tạo. Do đó, chưa giải quyết được vấn đề cơ bản là bảo đảm cho đại đa số nông dân có đất bị thu hồi đất tiếp tục có việc làm để ổn định đời sống.

Ông Phạm Duy Đảm băn khoăn: Cơ chế chính sách tổng thể để hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển nghề cho những người có đất bị thu hồi chưa sát thực tế. Việc đào tạo chuyển nghề và giải quyết việc làm cho lao động nhất là lao động phổ thông sau giải phóng mặt bằng chưa thực hiện tốt.

Về phía huyện Thủy Nguyên trong 3 năm từ năm 2010-2012 đã đào tạo nghề cho 1.124 người. Song thực tế việc tuyển dụng, sử dụng lao động bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án rất thấp, nhất là lực lượng lao động trên 40 tuổi dôi dư không nhỏ. Đấy là độ tuổi quá muộn để đi học nghề và cũng quá sớm để nghỉ ngơi. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên tiếp nhận lao động trẻ, vừa có sức khỏe vừa dễ đào tạo- bà Hoàng Thị Phượng - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thủy Nguyên cho hay.