Dân Việt

Những thương binh hạnh phúc

29/06/2013 16:20 GMT+7
(Dân Việt) - “Thấy nhiều anh em thương binh lam lũ kiếm sống, chúng tôi luôn đau đáu phải làm cái gì đó để “chia lửa” với đồng đội của mình” - anh Nguyễn Xuân Quý - Phó Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường Thành Công (Hà Nội) tâm sự.

“Cái gì đó” với anh Quý chính là phải tạo việc làm, giúp đồng đội có thu nhập để sống một cách đàng hoàng, đầy đủ. Nghề mà các anh chọn là… dọn rác.

img
Anh Nguyễn Xuân Quý kể chuyện của những người thương binh dọn rác.

Lời thề thứ 7

Trong trang phục lính, dù đã ở ngoài cái tuổi “lục thập bất nhập đình trung”, anh Quý vẫn đầy chất lính. Không rào đón, anh kể một mạch: Dù không còn trong quân ngũ, nhưng người lính không ai quên “10 lời thề danh dự”, mà tôi nhớ nhất lời thề thứ 7 “… Hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận”. Bởi có điều này chúng tôi mới sống đến hôm nay…

Kể về việc thành lập HTX, anh Quý cho biết, cuối những năm 90, Thành ủy Hà Nội có chủ trương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, anh Phạm Thiện Tài-Chủ nhiệm HTX có ý tưởng thành lập HTX để quy tụ anh em thương binh cùng nhau lập nghiệp, để người nọ đỡ đần người kia và cũng là để trả nghĩa cho nhau. Nhưng làm gì là câu hỏi lớn, nhiều đêm mất ngủ nhưng vẫn bí. Một lần đi uống bia, thấy nhiều khu dân cư rác chất thành đống, chúng tôi cùng lóe lên ý tưởng: Dọn rác! HTX Vệ sinh môi trường Thành Công ra đời từ đó.

Tôi đùa: “Cũng đơn giản thôi nhỉ!”. Cất giọng như “lệnh vỡ”, anh bảo: “Vất vả lắm ông ơi! Vì đây là đơn vị thực hiện việc xã hội hóa công tác… dọn rác đầu tiên, nên cơ chế chính sách chưa có. Thành lập từ năm 2000, mòn chân “gõ các cửa”, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, các ngành liên quan của TP.Hà Nội “họp lên, họp xuống”… mãi 2 năm sau, HTX mới được chính thức đi vào hoạt động”. Ban đầu, cả Ban quản trị và xã viên chỉ có 10 người, mỗi người vay chạy một ít góp được 300 triệu đồng làm vốn, sắm được 1 xe tải 5 tấn và một số xe thu gom rác. Và cũng chỉ được làm thí điểm tại 1 phường ở quận Thanh Xuân. Sau đó, thấy việc làm của các anh có hiệu quả, thành phố cho triển khai thêm một số địa bàn.

Đến nay HTX đã có 1.500 lao động, trong đó có 120 anh em thương bệnh binh, ngoài ra phần lớn là bộ đội phục viên, xuất ngũ, đều giữ các vị trí chủ chốt. Doanh thu mỗi năm trên 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Với hơn 100 xe chuyên dụng, đảm nhận công tác vệ sinh môi trường ở quận Thanh Xuân và các huyện: Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng cùng một số tuyến đường nội thành Hà Nội. HTX đã xây dựng được nhà máy xử lý rác với công suất 300 tấn/ngày…

Đồng đội hôm nay

HTX hiện có Quỹ “Vì người nghèo”, trợ cấp thường xuyên cho 180 gia đình thương binh có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nuôi dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong bãi xe của HTX, giữa cái nắng như đổ lửa, xe cẩu, xe chở rác ra vào tấp nập, mọi người vẫn hối hả làm việc. “Gạ” mãi chúng tôi mới bắt chuyện được với một người – anh Dương Văn Đằng, thương binh hạng 2/4. Nhìn cánh tay chỉ còn một nửa của anh, tôi ái ngại hỏi: “Công việc thu dọn vệ sinh, người bình thường cũng còn vất vả, anh thương tật thế này, chắc cực lắm?”. Cười sảng khoái, anh nói: “Bọn tôi thương binh nên được Ban quản trị HTX ưu tiên đủ thứ, anh nào yếu thì làm việc nhẹ, như bảo vệ, trông xe… Tôi chỉ làm 3- 4 tiếng một ngày, chủ yếu là ngồi trên xe ô tô, kiểm tra các tuyến đường, chỗ nào chưa sạch thì gọi công nhân đến thu dọn”.

Rồi anh thủ thỉ: “Trước đây tôi chạy xe 3 bánh, suốt ngày phơi mặt ngoài đường, thu nhập thất thường. Từ ngày vào HTX, việc làm, thu nhập ổn định, mỗi tháng cũng được trên 6 triệu đồng, vừa có thời gian nghỉ ngơi, vừa có điều kiện lo việc gia đình…”. Anh Đằng tiết lộ, HTX còn thành lập “Quỹ đồng đội” để giúp đỡ anh em lúc cơ nhỡ, khó khăn.

Anh Quý bày tỏ: “Trong số thương binh thì bất hạnh nhất là anh em bị nhiễm chất độc da cam. Tuổi trẻ đã cống hiến ngoài mặt trận, hạnh phúc cuối cùng là con cái cũng không có được. Mất mát, hy sinh ấy không gì bù đắp. Chúng tôi chỉ mong làm được điều gì đó để anh em vợi bớt nỗi đau…”.