Dân Việt

Nhập nhèm thị trường cổ vật

Thiên Thanh 11/05/2015 08:03 GMT+7
Dù đã chính thức đi vào hoạt động hơn 10 năm qua nhưng thị trường cổ vật Việt Nam vẫn còn nhiều điều chưa minh bạch. Việc thiếu  tổ chức giám định cổ vật là mấu chốt quan trọng nhất trong việc xác định rõ nguồn gốc các cổ vật. 

Thị trường tự phát

Theo các chuyên gia cổ vật thì thị trường cổ vật Việt Nam hiện nay chủ yếu lưu hành những cổ vật có nguồn gốc trôi nổi, rất khó xác định. Bên cạnh đó, thị trường cổ vật hiện tại vẫn vận hành theo kiểu tự phát là chính. Và trong khi việc chuyên nghiệp hóa một thị trường cổ vật vẫn là giấc mơ xa vời, thì việc mua bán các tài sản văn hoá có nguồn gốc bất hợp pháp lại ngày càng gia tăng.

img
Các món đồ cổ được bày bán tại chợ đồ cũ tại địa chỉ 100 Quảng An đều không chứng minh được nguồn gốc. Thiên Thanh
Những người chúng tôi đã gặp trong giới sưu tầm đồ cổ cho hay, gần đây các cổ vật có xuất xứ khảo cổ học được đưa vào lưu thông vừa nhiều về số lượng vừa đa dạng về chủng loại. Trong đó có cả những món rất quý như trống đồng, thạp đồng, những cổ vật vốn thuộc về di tích như sắc phong, tượng, lư hương, đỉnh đồng, thanh kiếm, áo thành hoàng… cũng vẫn được trao đổi, mua bán. Đáng nói hơn, các chi tiết kiến trúc tưởng không thể tách rời di tích, là một phần khăng khít của di tích như bức phù điêu nổi, các mảng trang trí kiến trúc trên các đầu dư, bức cốn, kẻ chuyền, các linh vật gắn trên mái và nóc đình chùa… khi cần cũng có thể mua được trên thị trường đồ cổ.

 

Vậy thực hư về điều này thế nào, mua cổ vật trong di tích có dễ thế không? Ông Bằng Giang- Tổng Thư ký Hội Cổ vật Thăng Long cho biết: “Với các đồ cổ có xuất xứ từ đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa, hiện việc bày bán công khai ở các chợ đồ cũ thường không nhiều, mà đa phần là đồ mỹ nghệ. Nhưng không phải là không có”. Theo ông Bằng Giang, xuất xứ của các món đồ này do các đền, chùa áp dụng việc đổi công cho anh em thợ sửa chữa bằng cách đổi tượng cũ lấy... tượng mới. Ngoài ra, cũng có một số nguồn phi pháp…

Bên cạnh đó, thị trường cổ vật hiện nay còn khá lộn xộn bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các đồ giả cổ, đồ nhái được sản xuất ở trong nước (Bát Tràng, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng) và nhập về từ nước ngoài (Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc). Các đồ cổ được làm mới nhằm đánh lừa cơ quan kiểm tra nhà nước bằng cách đánh bóng, làm vệ sinh sạch sẽ, vá víu những chỗ vỡ. Còn đồ mới thì lại giả làm đồ cổ để đánh lừa khách hàng thông qua mánh khoé: Ngâm xác trà cho đồ gốm; ngâm axit cho đồ đồng; bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá; ngâm nước, bỏ vào tổ mối, phơi nắng mưa hàng tháng trời cho đồ gỗ…

TS Phạm Quốc Quân- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: “Việc phân biệt giữa những di vật thật và những đồ vật phục chế, giả cổ thực sự khó khăn. Tại TP.HCM có một gia đình đã bỏ hàng tỷ đồng vào việc sưu tập cổ vật. Khi tôi đến xem, phát hiện 99% số cổ vật mà gia đình này đang trưng bày là đồ giả. 1% còn lại là đồ cổ thật nhưng giá trị về lịch sử và kinh tế không đáng là bao”.

Mua bán dựa vào... niềm tin

Tại thủ đô, giới tầm cổ vật vẫn thường tìm đến các chợ đồ cũ, cổ vật ở Bảo tàng Hà Nội, đường Nghi Tàm, Hoàng Hoa Thám… Việc mua và bán ở đây hầu hết phần nhiều dựa vào “niềm tin” giữa người bán và người mua. Chúng tôi tìm đến chợ đồ cũ tại Quảng An, theo ghi nhận có những món đồ được báo giá 6 -7 triệu đồng, nhưng khi hỏi về nguồn gốc cổ vật thì chủ hàng không mặn mà trưng ra. Vậy ai chịu trách nhiệm giám định, quản lý cổ vật ở những chợ đồ cũ đang hoạt động?

Ông Bằng Giang, đồng thời cũng thành viên ban tổ chức chợ đồ cũ tại Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Chợ đồ cũ tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội không phải chợ đồ cổ, mà có cả đồ cũ, đồ mỹ nghệ... Việc có những cửa hàng chuyên về đồ cổ tại đây là rất ít. Cũng có những cửa hàng bán tới 80 - 90% là đồ cổ những vẫn có một vài sản phẩm không phải đồ cổ. Thực ra việc thẩm định đồ cổ, cổ vật đòi hỏi rất bài bản và qua nhiều công đoạn. Do đó chúng tôi cũng không đặt ra quy chế để giám định đồ cổ tại chợ này”.

Vậy thì tổ chức nào đủ sức thẩm định cổ vật trên thị trường hiện nay? Các thành viên của Hội Cổ vật Thăng Long cho hay, để đánh giá những món đồ giá trị những người sưu tầm tại Hà Nội cũng chỉ có Công ty Dấu Xưa đủ chức năng giám định. Theo đó, ở đây sẽ có một hội đồng chuyên gia từ 5 - 7 người. Thế nhưng việc giám định sẽ không tổ chức riêng cho một món đồ, bởi kinh phí một buổi giám định riêng cho một cổ vật là tương đối cao. Bởi thế việc giám định cổ vật lẻ là rất khó thực hiện.

Hiện nay thị trường cổ vật Việt Nam cũng chưa có một công ty đấu giá cổ vật nào được thành lập, việc định giá cổ vật cũng còn gặp nhiều vướng mắc. Theo chuyên gia nghiên cứu cổ vật Nguyễn Tuấn Lâm (Trung tâm Bảo tồn giá trị văn hóa biển): “Trước hết phải có một định nghĩa đầy đủ, chi tiết đâu là báu vật quốc gia, đâu là cổ vật loại một, cổ vật loại hai... để dễ dàng trong quản lý và định giá. Thứ hai là phải tổ chức được những phiên đấu giá công khai cổ vật thì những hiện vật lấy cắp hay cổ vật giả mới không xuất hiện trên thị trường. Thị trường minh bạch cho các cổ vật vừa giúp Nhà nước thu được thuế, vừa giảm được tình trạng cổ vật “rởm” như hiện nay”.


 Giới bán đồ cổ giả thường lấy mẫu trong catalogue rồi mang sang tận Trung Quốc, Thái Lan đặt hàng, khi làm xong hàng chỉ chọn một đến hai cái đẹp nhất, huỷ bỏ tất cả những cái còn lại, tạo thành vật độc nhất vô nhị, kích thích mốt sưu tầm những món độc bản của các nhà sưu tập.