Dân Việt

Lo ngại cúm chồng cúm

diệu linh 14/05/2015 08:06 GMT+7
Có tới 144 chủng cúm đang lưu hành tại Việt Nam với những diễn biến phức tạp. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa ra khuyến cáo người dân và ngành chăn nuôi đề phòng các loại cúm gia cầm mới, trong đó có virus có thể lây sang người, gây tử vong.

Cuối tháng 4, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã ghi nhận một ổ cúm A/H5N6 tại huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kết quả giải trình tự gen của các mẫu virus cúm A/H5N6 tại Việt Nam cho thấy chúng tương đồng trên 99% so với chủng virus cúm A/H5N6 gây tử vong trên người ở Trung Quốc. Virus H5N6 đã được phát hiện tại Lạng Sơn và Hà Tĩnh từ tháng 8.2014. Cho đến nay, cúm H5N6 đã lan sang nhiều tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi…

img

Công tác phòng dịch tại chợ gà Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội. Đ.D  
TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Virus cúm A/H5N6 lây sang người gây ra các triệu chứng suy hô hấp, suy đa phủ tạng với diễn biến nhanh, nguy hiểm. Hiện nay, các mẫu giám sát các trường hợp người bị cúm, viêm đường hô hấp cấp ở Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh mắc virus H5N6. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể lơ là, mất cảnh giác”.

Về mặt chủng cúm, GS Trịnh Quân Huấn – chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế nhận định, virus cúm có 3 típ A, B, C, trong đó típ A thường xuyên có sự biến đổi và tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây lan nhanh, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người. Chúng cũng có 16 loại kháng nguyên H và 9 kháng nguyên N. Hai kháng nguyên này có thể tổ hợp tạo thành 144 nhóm virus khác nhau trong đó có nhiều cúm bắt nguồn từ gia cầm, có thể lây sang người như H5N1, H7N9, H10N8, H6N1, H5N6…

Trước tình hình phức tạp của cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh. Người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, không ăn gia cầm bị bệnh; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.