Dân Việt

“Sát thủ” công trình

Chân Tâm 12/05/2015 06:58 GMT+7
Thanh dầm thép dài chục mét, nặng cả tấn của dự án đường sắt metro Nhổn – Ga Hà Nội bất ngờ tuột khỏi cần cẩu rơi xuống đường vào lúc chiều tối 10.5.

img
Thời điểm thanh sắt rơi, có nhiều người đang lưu thông trên đường.
Một dự án đường sắt với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mà làm ăn cẩu thả như vậy đấy... May thay, không có người đi qua đường vào lúc “thần chết giáng thế”.

Cái chết tức tưởi của 3 mẹ con ở Đồng Tháp vì cần cẩu rơi trúng còn nhức nhối trên các bản tin báo chí, thì lại tiếp tục vụ này. Người dân nhiều nơi đi ra đường như đánh cược với mạng sống, “5 ăn - 5 thua”. Cây gãy đổ, điện giật, sập hố, bê tông đè..., mà chỉ khi về đến nhà mới tin rằng mình còn sống.

Có thể nói, người dân Việt Nam đang đối mặt với một loại sát thủ rất ghê gớm: “Sát thủ công trình”.

Về an toàn công trình xây dựng, dư luận còn nhớ sau vụ tai nạn rơi giàn giáo gây chết người tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng mắng nhà thầu Trung Quốc: “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không phải là nơi thí điểm để tổng thầu EPC đưa các cán bộ, kỹ sư thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm sang làm việc”. Và khẳng định rằng: “Không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt nam, không thể đánh đổi tính mạng của người dân Việt Nam”.

Ông Thăng mắng nhà thầu nước ngoài, hàm ý họ coi thường tính mạng người dân Việt Nam. Nhưng cay đắng là, ngay các nhà thầu trong nước cũng coi thường tính mạng dân mình. Còn rất nhiều công trình xây dựng khác, không rào chắn, để trẻ em rơi xuống hố, chết đuối. Có những công trình như chiếc bẫy, xe cộ lưu thông vấp phải cọc, trụ bê tông bị tai nạn, có trường hợp bị chết.

Chết nhiều là vì “sát thủ công trình” chưa bị trị tội mạnh tay. Tất cả các vụ tai nạn xảy ra, hầu như chủ đầu tư, chủ thầu thăm hỏi, bồi thương nạn nhân là xong. Chẳng ai chịu trách nhiệm cao hơn. Có vụ còn khởi tố hình sự người trực tiếp gây ra tai nạn, nhưng rất nhiều vụ không biết khởi tố ai vì tai nạn “từ trên trời rơi xuống”.

Nếu như, xử lý thật nghiêm các cá nhân có liên quan để xảy ra tai nạn thì chắc chắn sẽ hạn chế được tai nạn. “Sát thủ công trình” không phải là cần cầu, thanh dầm sắt, mà là con người. Đó là chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý các công trình xây dựng đó.