Dân Việt

Lo ngại thiếu đất sản xuất

31/05/2011 00:15 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 30.5, tại TP.Cần Thơ, Hội ND Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban phản ánh tình hình công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 và phản ánh tình hình nông dân bán đất, thiếu đất sản xuất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo cáo của Hội ND Việt Nam cho thấy: Sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong 5 tháng đầu năm 2011 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh phát triển nhanh trên một số loại cây trồng, vật nuôi; giá cả vật tư, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng theo nhưng sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra không tăng hoặc tăng nhẹ, khiến nông dân càng thêm khó.

img

Còn theo ông Lê Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam, tình trạng thiếu đất sản xuất và bán đất sản xuất còn diễn ra khá “nóng”, nhất là một số địa phương vùng ĐBSCL. Như ở An Giang, số hộ thiếu đất sản xuất là 36,7%, Bến Tre 30%...

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội ND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Quá trình đô thị hóa đã khiến cho nhiều người dân mất đất. Chỉ tính riêng ở Phú Quốc hiện nay có khoảng 4.000 hộ bị thu hồi đất không có đất sản xuất”.

Theo thống kê, 10 năm qua ở nhiều nơi cho thấy, số hộ nghèo, nợ nần phải bán đất chuyển sang làm thuê chiếm 20-25%. Trong đó Trà Vinh 35.000 hộ, TP.Cần Thơ 32.000 hộ, An Giang 36.000 hộ, Sóc Trăng 19.000 hộ. Một số địa phương còn xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt (trong tháng 4.2011, cả nước có khoảng 76.000 hộ với 326.800 nhân khẩu thiếu đói).

Trước tình hình trên, Hội ND Việt Nam yêu cầu các địa phương cần tập trung đẩy mạnh 3 phong trào thi đua của Ban Chấp hành Trung ương Hội đề ra, trong đó tập trung nhất là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; đăng ký xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, xây dựng xóm ấp văn hóa; xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đồng thời, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện giúp vốn, giống, máy móc, vật tư nông nghiệp cho nông dân.