“Đề môn văn mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cho học sinh (HS) thi thử sáng 12-5 trung thành với cấu trúc đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố nhưng bản chất đổi mới không có. Nhiều yêu cầu trong đề thi còn thiếu logic, áp đặt” - một giáo viên (GV) THPT ở quận 1 nhận xét.
Đáp án vênh với đề
Một GV tại quận 7, TP HCM nhận định: “Đề thi đang cố gắng đổi mới một cách gượng ép, không toát được tinh thần của một đề thi theo hướng mới. Gần như người ra đề lấy đề mẫu do bộ công bố rồi ráp vào. Chính sự gượng ép đó khiến nội dung đề thi có nhiều chi tiết rườm rà, chưa hợp lý, kéo theo đáp án thiếu thuyết phục”.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) thi thử kỳ thi THPT quốc gia ngày 11-5
Theo GV này, ở câu 3 phần đọc hiểu, câu hỏi yêu cầu chỉ ra tác dụng của phép so sánh nhưng trong đáp án lại có thêm yêu cầu chỉ ra được các phép so sánh. Cũng ở phần đọc hiểu, câu số 4 yêu cầu quá khó - viết 5-7 dòng thể hiện quan điểm, tư duy - mà chỉ có 0,25 điểm là không hợp lý.
Ở câu số 6, yêu cầu chỉ ra nghịch lý ở 2 câu: “Ai biết đâu, đứa bé còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống/ Ai biết đâu, bà cụ đứng không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ đi qua những thử thách”. Đây là 2 câu đồng nghĩa, thực tế chỉ cần lấy ví dụ 1 câu là được. Đưa ra 2 câu đồng nghĩa khiến HS hiểu nhầm câu 1 nghịch lý gì với câu 2, trong khi đáp án đưa ra là: “Thông thường, người yếu đuối tìm nơi dựa ở người vững mạnh. Ở đây ngược lại. Người mẹ trẻ khỏe dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dạn dày chiến trận dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường”.
“Ở câu số 8, theo tôi, đáp án chính xác phải là văn bản chỉ có hiện tượng lặp từ chứ không phải biện pháp điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc như trong đáp án mà sở công bố. Hơn nữa, nếu là biện pháp điệp thì chỉ cần HS trả lời điệp cấu trúc là ổn vì trong cấu trúc có từ và ngữ” - GV này phân tích.
Một GV khác nhận định: Ở câu hỏi nghị luận xã hội, ngay cả đáp án cũng chưa xác định được quan hệ chính và phụ trong câu nói nên yêu cầu song song, dàn trải, đề không đề cao chính kiến, quan điểm của HS, không đúng tính chất của một bài nghị luận xã hội.
Quay về cách học đọc - chép?
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho rằng lối ra đề văn như đề thi của Sở GD-ĐT TP HCM khiến GV và HS quay lại hướng dạy và học đọc - chép trước đây. Nhiều câu hỏi còn mang tính tỉ mỉ, sa đà phân tích vụn vặt, dường như mục đích chính là để HS kiếm điểm an toàn chứ không hề sáng tạo, đổi mới.
Cụ thể, phần đọc hiểu yêu cầu đọc văn bản, tìm các biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ văn chương. Những câu hỏi dạng này khiến HS chưa nói được quan điểm, suy nghĩ, nhận thức… HS vẫn phải đọc và trình bày vừa đúng vừa trúng thì có điểm.
Theo ThS Hiền, vô lý nhất vẫn là câu số 2 phần làm văn - yêu cầu HS phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt”(Kim Lân) và người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu). Phân tích nhân vật là lối ra đề cũ kỹ trước đây, vô hình trung khiến GV quay lại hướng dạy HS cách phân tích từng tác phẩm, từng nhân vật. HS phải học thuộc, ghi nhớ, học tủ mới biết cách phân tích, biểu đạt. Trong khi GV đang nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, thoát khỏi cách đọc - chép mà quay lại hướng ra đề phân tích tác phẩm là không ổn.
“Lối ra đề này không những áp đặt, theo lối mòn mà còn triệt tiêu ngay quan điểm riêng, sáng tạo của HS, trong khi đáng lẽ phải là những câu hỏi mang tính gợi mở. Trong khi đó, yêu cầu cuối cùng của đổi mới đề thi là thông hiểu từ nhận biết, mà từ nhận biết phải tiến tới nhận thức. Đề thi của sở mới chỉ dừng ở nhận biết là hết” - một GV ngữ văn phân tích.