Dân Việt

Còn ỷ lại bác sĩ tăng cường

31/05/2011 16:59 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu không tăng cường trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở thì việc tăng cường bác sĩ theo Đề án 1816 sẽ chỉ là “làm thay” cho địa phương chứ không phải “làm thầy” để chuyển giao tiến bộ y học.

Đó là nhận định của chính Bộ Y tế tại Hội nghị sơ kết Đề án 1816, tổ chức sáng 30.5 tại Hà Nội.

Tăng năng lực cho cơ sở

Ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo đề án tăng cường cán bộ y tế cho tuyến cơ sở (Đề án 1816) khẳng định: “Đề án 1816 không chỉ góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới, mà còn góp phần thực hiện giảm tải từ xa cho hầu hết các bệnh viện tuyến T.Ư”.

img
Cần tăng cường hơn nữa việc đưa các bác sĩ đi tăng cường cho BV tuyến cơ sở.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc cử hàng ngàn bác sĩ ở các bệnh viện (BV) đầu ngành như Bạch Mai, Mắt T.Ư, Nhi T.Ư, K… đã giúp cho gần 400 bệnh viện tuyến huyện được nâng cao năng lực khám, điều trị các bệnh nan y. Thông qua đó tạo điều kiện để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất, không phải tốn kém về thành phố để khám, chữa bệnh.

Trong 2 năm thực hiện Đề án 1816 trong cả nước đã đưa gần 9.000 lượt cán bộ đi tăng cường; chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật cho BV tuyến cơ sở; phẫu thuật hơn 1.600 ca cứu sống hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo. Gần 400 bệnh viện cơ sở, đã được tiếp nhận cán bộ tăng cường.

Ông Siu Briu Liếc - Giám đốc BV huyện Tây Giang (Quảng Nam) một BV được hưởng lợi trực tiếp từ Đề án 1816 cho biết: “Nhờ được đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” theo Đề án 1816, nhiều cán bộ y tế ở Tây Giang tiến bộ về chuyên môn và tự tin cấp cứu, điều trị các bệnh mà trước kia tuyến cơ sở bó tay”.

Cụ thể, BV huyện Tây Giang được sự giúp đỡ, tăng cường của Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc. Đã có 49 y, bác sĩ trên các lĩnh vực về ngoại, sản phụ khoa; nội – nhi của bệnh viện này được đào tạo. Đặc biệt, BV đã đào tạo được một ê kíp phẫu thuật cấp cứu về ngoại khoa như viêm ruột thừa, mổ đẻ, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng...

Vẫn còn nhiều cái khó

Bên cạch những thành tựu đạt được thì Đề án 1816 cũng đang gặp nhiều khó khăn lớn trong triển khai. Ông Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Ủy viên Ban chỉ đạo Đề án 1816 cho biết: “Khó khăn nhất là chế độ chính sách cho cán bộ đi tăng cường còn thấp; BV cơ sở thiếu ngân sách, cơ sở vật chất phục vụ cho việc chuyển giao kỹ thuật. Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu”.

Để khắc phục các tồn tại, Ban chỉ đạo đề án đã quyết định song song với việc tiếp tục tăng cường hơn nữa cán bộ, bác sĩ cho các BV tuyến cơ sở sẽ hoàn thiện một số chính sách như hỗ trợ công tác phí cho cán bộ đi cơ sở; tăng cường đầu tư thiết bị y tế đi kèm với các chuyên đề về chuyển giao kỹ thuật cho từng BV cụ thể.

Ông Thái cũng thừa nhận có một thực tế là nhiều địa phương vẫn còn tình trạng ỷ lại, lợi dụng các bác sĩ đi tăng cường để làm thay. Điển hình là sau hơn 10 năm nhận sự chi viện của BV tuyến T.Ư, nhưng cho tới nay BV Đa khoa Lai Châu vẫn không có tiến triển gì trong việc khám chữa bệnh. Cán bộ xuống tăng cường, chuyển giao kỹ thuật nhưng thực chất là “làm thay” chứ không phải “làm thầy”.

Tình trạng “có thầy giỏi, nhưng không có… người học và thiếu phương tiện thực hành” cũng rất phổ biến. Ông Lương Đức Sơn -Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Điện Biên cho hay, BV đang thiếu trầm trọng bác sĩ chuyên khoa nhi, sản khoa, tim mạch, mắt… nên dù có bác sĩ giỏi tại BV Tim Mạch, BV Nhi T.Ư về chuyển giao kỹ thuật cũng không có người học.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Mắt T.Ư nói: “Nhiều tỉnh chưa được trang bị các trang thiết bị hiện đại nên các bác sĩ xuống tăng cường cũng đành “bó tay” vì không thể “tay không bắt giặc”- ông Sơn khẳng định.