Dân Việt

Đọc sách cùng con thay vì chỉ… mua sách cho con

Khánh Thư 14/05/2015 11:55 GMT+7
Cách đọc sách cùng con không phải là cầm cả quyển sách đọc hết với con, mà đó là cách dẫn dắt câu chuyện, cách đặt vấn đề và cả cách “chơi” cùng cuốn sách như thế nào để lôi cuốn, kích thích trí tò mò cũng như sự hứng thú của trẻ...

Thị trường sách thiếu nhi ở Việt Nam ngày càng trở nên phong phú và hứa hẹn. Đó là một điều đáng mừng nhưng đồng thời cũng gây không ít khó khăn trong việc dung hòa giữa yêu cầu giáo dục và giải trí, cũng như làm sao để các bậc phụ huynh không gặp khó khăn khi lựa chọn sách cho con em mình. 

img

Một số cuốn sách cho thiếu nhi của tác giả Việt do NXB Trẻ phát hành

Đến với tọa đàm “Em đã đọc sách gì hôm qua?” diễn ra tối 13.5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ - nhà nghiên cứu phê bình văn học, họa sĩ Kim Duẩn – họa sĩ của báo Hoa Học Trò – Sinh viên… đã có những trao đổi thú vị và hữu ích với nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ.

Kích thích chứ đừng áp đặt

TS. Nguyễn Thụy Anh cho biết khi chị thành lập Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, ngay trong ngày đầu tiên đã có hơn 200 gia đình đăng ký cho con mình tham gia. Điều đó cho thấy các phụ huynh ngày nay rất quan tâm đến việc đọc sách của con. Chị cho rằng đọc sách cùng con không có nghĩa là cầm cả quyển sách đọc hết với con, mà đó là cách dẫn dắt câu chuyện, cách đặt vấn đề, và cả cách “chơi” cùng cuốn sách như thế nào để lôi cuốn, kích thích trí tò mò cũng như sự hứng thú của con mình.

img

Quang cảnh buổi tọa đàm “Em đã đọc sách gì hôm qua?”. Ảnh: Trà My

 

Một phụ huynh có con 10 tuổi chia sẻ rằng khi chị giới thiệu với con cuốn sách nào đó và nói rằng “con đọc đi, cuốn này ngày xưa mẹ rất thích” thì thấy bé cứ… lảng ra. Thậm chí kể cả nếu “giao nhiệm vụ” cho con đọc để tối về kể lại cho mẹ thì bé cũng thực hiện rất miễn cưỡng. Theo lời khuyên của TS. Nguyễn Thụy Anh, đối với việc đọc sách thì không nên áp đặt cho trẻ phải giống như mình mà chỉ nên giúp các bạn nhỏ nảy sinh nhu cầu tìm hiểu về sách. Ví dụ, người lớn có thể đặt ra những câu hỏi “đố con biết…” khiến trẻ trở nên hào hứng khi đi tìm lời giải qua những trang sách, hay cũng có thể đặt ra những câu hỏi “có thật như thế không?” kích thích sự phản biện để cùng thảo luận với con về những điều rút ra từ cuốn sách, bởi “khi chúng ta đọc có sự chia sẻ và thảo luận một cách nghiêm túc nhưng rất vui vẻ với con thì mọi thứ sẽ khác”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" thú nhận rằng chị “rất sợ kiểu đọc khuôn mẫu như ở trường” theo kiểu bắt trẻ cứ phải đúc rút đoạn văn vừa đọc có ý nghĩa gì, ẩn chứa bài học gì và trả lời một loạt những câu hỏi cho sẵn. Bởi theo chị, trẻ em vốn rất có tiềm năng đọc, trong khi đó khuôn mẫu lại khiến đứa trẻ không được tự đọc theo cách riêng của mình để có thể kích thích sự tưởng tượng và nhìn thấy cả những gì mà văn bản không có.

Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng bắt con mình đọc theo văn bản hoàn toàn mà hãy xem trẻ còn nhìn thấy điều gì nữa, có nghe thấy gì không, ngửi thấy mùi hương nào… và đó chính là kỹ năng đọc cùng con.

img

TS. Nguyễn Thụy Anh trong một phần tương tác với những người đến dự tọa đàm với những câu hỏi về sách. Ảnh: Trà My

 

Nên định hướng thế nào?

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cho rằng việc định hướng đọc sách cho con em mình là điều hết sức quan trọng bởi nó hình thành cá tính, tư duy và nhân cách rất rõ rệt ở các em. Bà chia sẻ: “Chúng ta đừng nên hiểu “đọc sách cùng con” theo nghĩa đen mà “đọc” ở đây là cần đưa ra những gợi mở và định hướng. Tuy nhiên phải lựa chọn sách thế nào, ngay cả với người lớn đây cũng không phải là việc dễ.

Có những cuốn sách chúng ta không muốn cho con mình đọc, nhưng tôi nghĩ rằng đối với trẻ em, càng cấm các em lại càng đọc, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Cho nên việc giáo dục, hình thành nhận thức cho các em quan trọng hơn việc cấm đoán rất nhiều. Với trẻ em, có lẽ giáo dục hiệu quả nhất là “không giáo dục gì cả”, đừng cấm đoán mà hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên như sự hồn nhiên của các em vậy”.

Liên quan đến loại sách ngôn tình hay những cuốn sách có các chi tiết không phù hợp mà nhiều phụ huynh không muốn con mình tiếp cận, TS. Nguyễn Thụy Anh bày tỏ: “Tôi để ý thấy một cuốn sách cho thiếu nhi có rất nhiều chi tiết và chỉ cần một cái cúc áo hơi khác các em cũng có thể nhìn ra. Nghĩa là tuổi của các em quan tâm đến điều gì thì sẽ tiếp nhận điều ấy. Cho nên khi đọc những cuốn sách có thể lớn hơn tuổi một chút thì cũng đừng quá lo các em quan tâm đến cái người lớn quan tâm, bởi trẻ con tiếp thu theo cách của trẻ con” .

img

Các độc giả "nhí" chăm chú lắng nghe chia sẻ của các diễn giả. Ảnh: Trà My

 

Chị cũng khẳng định một đứa trẻ cũng có định hướng đọc của riêng mình. Tuy nhiên với thị trường sách ngày càng rộng lớn như hiện nay, chúng ta cũng cần phải quan tâm trẻ đọc sách gì.

Dưới góc độ một người làm báo, nhà thơ – nhà báo Hữu Việt chia sẻ: “Tôi nghĩ đọc sách là một thói quen và đã là một thói quen thì phải được bắt đầu từ nhỏ. Chính vì thế ngoài tác động của những người thân trong gia đình thì xã hội cũng nên có xúc tác để khuyến khích các em đọc sách”.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ đánh giá tranh minh họa là một yếu tố rất quan trọng khi xuất bản sách dành cho trẻ em, đặc biệt là với các em chưa biết chữ bởi phần tranh thay cho phần lời hoặc kể những điều phần lời chưa nói hết. Khi nhìn vào tranh vẽ, trí tưởng tượng của các em sẽ được kích thích và giúp hiểu thêm về câu chuyện. 

Họa sĩ Kim Duẩn đã có những chia sẻ thú vị trong việc vẽ hình minh họa cho sách dành cho thiếu nhi:

“Trước khi vào nghề mình nghĩ vẽ cho trẻ con là một công việc đơn giản nhưng không phải vậy. Khi vẽ người họa sĩ phải nắm được chìa khóa làm sao để trẻ con thấy thích thú, phải nắm được tâm lý trẻ con. Trẻ con là lứa tuổi rất thích khám phá, vì thế tranh thiếu nhi  màu sắc cũng thường nên tươi tắn để có sức hút”.

Sau nhiều năm làm công việc này, anh nhận thấy trẻ con rất yêu chi tiết, và vẽ càng nhiều chi tiết thú vị thì các em càng thích. “Khi quan sát một cách thường xuyên, tôi phát hiện ra khi vẽ cái này thì bé trai thích còn vẽ cái kia thì bé gái lại thích. Mỗi họa sĩ phải có những thủ thuật riêng”.

Việc vẽ minh họa đối với sách cho lứa tuổi lớn hơn như cấp 2, cấp 3 sẽ dễ hơn vì các em đã có những suy nghĩ khá là tương đồng với mình, đồng thời ở lứa tuổi này các em có thể  tự đọc một cách dễ dàng nên không cần phần tranh quá nhiều.

“Ngay cả việc sáng tác cho trẻ con, vẽ cho trẻ con người họa sĩ cũng phải hóa thân, phải hiểu đứa trẻ. Nên các bố mẹ cũng vậy, chọn lựa sách cho trẻ  như thế nào cũng phải hiểu đứa con của mình” - TS. Thụy Anh bày tỏ.