81 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%
Dựa theo chuẩn nghèo mới là thu nhập 400 nghìn đồng cho hộ dân khu vực nông thôn và 500 nghìn đồng khu vực thành thị, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn từ cuối năm 2010.
Nhờ chương trình giảm nghèo, nhiều đồng bào dân tộc được dùng nước sạch. (Ảnh chụp tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). |
Theo đó, đã thống nhất số liệu hộ nghèo cuối cùng là 3.055.566 hộ, chiếm 14,2% và 1.612.381 hộ cận nghèo, chiếm 7,53%. Theo thống kê 5 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, dù các nơi này đã rà soát theo chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo của toàn quốc.
Ngoài ra, có 14 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ 5-10%; 3 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ 40 đến 50% và 1 tỉnh (Điện Biên) có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Kết quả cũng cho thấy, cả nước có 81 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% (bao gồm cả 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a).
Hướng dẫn rà soát hộ nghèo của Bộ LĐTBXH quy định đưa toàn bộ hộ nhập cư từ 6 tháng trở lên, không phân biệt tình trạng hộ khẩu và tình trạng cư trú vào diện rà soát cùng với chuẩn nghèo mới áp dụng 2011 – 2015, nhưng thực tế trong đợt rà soát này những người nhập cư vẫn bị bỏ rơi.
Thừa nhận việc các địa phương đã “bỏ rơi” các đối tượng lao động di cư, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng: “Có một bộ phận người dân di cư khi đi không báo cho chính quyền địa phương, khi rà soát có thể không được đưa vào nên các chế độ khác cũng chưa được hỗ trợ kịp thời. Cần phải dỡ bỏ một số các thủ tục để thời gian tới khi rà soát đưa người lao động nhập cư vào đối tượng rà soát”.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, điểm mới của lần rà soát này là tính đến các yếu tố lạm phát (CPI), bởi trước đây, khi đưa ra chuẩn nghèo và cả lộ trình tiền lương đều “chạy theo” lạm phát nên thời gian tới sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành đang rà soát lại chương trình giảm nghèo để có kế hoạch trong thời gian tới với phương châm là gọn, dễ làm khi triển khai. Thực tế, thời gian qua có quá nhiều chương trình giảm nghèo “chồng chéo” lên nhau khiến một số các bộ cấp xã không nhớ được hết tên chương trình.
Hỗ trợ tới từng xã, thôn, bản nghèo
Nếu Chương trình 30a chỉ triển khai hỗ trợ tới 62 huyện nghèo thì định hướng giảm nghèo bền vững 2011-2020 đã tiếp cận ở góc độ đa chiều hơn và hướng tới cả địa bàn, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, chương trình giảm nghèo 2006-2010 đã đạt được thành tựu đáng mừng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% xuống còn 9,45%, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn khá lớn, đời sống người nghèo còn nhiều khó khăn nên mặc dù Nhà nước luôn dành nguồn lực lớn cho giảm nghèo nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, một số chương trình chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, mang tính ngắn hạn, thiếu sự gắn kết chặt chẽ; cơ chế quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số nơi chưa sâu sát. Ngoài ra, bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Mục tiêu của Nghị quyết giảm nghèo bền vững là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2% năm; xã nghèo giảm 4% năm theo từng giai đoạn. Điều kiện sống được cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện, xã, thôn bản nghèo được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới…
Thanh Xuân