Hàng loạt các hãng thông tấn lớn trên thế giới ngày 30.5 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao VN về vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh của VN với nhận định: Trung Quốc đang ngang nhiên gây hấn và làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.
Hãng tin Pháp AFP có bài viết phản ánh vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải VN và làm căng thẳng thêm tình hình ở biển Đông với việc ngang nhiên cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02.
Sơ đồ vị trí tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của VN. |
Hãng tin trên dẫn tin từ Bộ Ngoại giao VN cho biết, hành động của tàu hải giám Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN” và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Theo AFP, tháng 3 vừa qua, Chính phủ Philippines phàn nàn rằng tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu Philippines trong vùng biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa. Philippines đã đệ đơn lên LHQ để phản đối các hành động vi phạm này của Trung Quốc.
Tờ Financial Times dẫn lời ông Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng vụ quấy nhiễu ngày 26.5 phản ánh sự leo thang trong hành động gây hấn của Trung Quốc đối với VN.
Ông Thayer nhận định: "Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền bằng những hành động gây hấn và họ có ưu thế lớn hơn về hải quân để thực thi ý định”. Nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên bắt ngư dân VN trong những vùng lãnh hải tranh chấp, song đây là lần đầu tiên tàu giám hải Trung Quốc đụng độ một tàu khai thác dầu khí của VN trong nhiều năm qua.
Tờ The Nation của Thái Lan ngày 30.5 cho hay, sau 15 năm theo đuổi chính sách ngoại giao thận trọng không làm mất lòng nhau và kiên nhẫn đối với những tuyên bố về chủ quyền tại vùng chồng lấn ở biển Đông, cả Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lẫn Trung Quốc đều bộc lộ sự mệt mỏi khi đã không có tiến triển nào hướng tới một nghị quyết hoặc kế hoạch cùng phát triển (khai thác biển).
Theo tờ báo trên, các quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục được thử thách mạnh, và nếu không có bộ (quy tắc) mang tính ràng buộc thì khó dự đoán về khả năng sẽ có hòa bình và ổn định lâu dài ở biển Đông.
Toàn bộ chương trình đang trở nên phức tạp hơn bởi bức tranh chiến lược mới, với sự vươn lên của Trung Quốc và lực lượng Hải quân Trung Quốc cũng như sự can dự tích cực của Mỹ tại châu Á. Nếu không được giải quyết một cách thỏa đáng, những tranh chấp hiện nay sẽ tác động đến sự ganh đua Mỹ-Trung trong khu vực.
Hãng tin BBC cho rằng, trước đây Trung Quốc từng có nhiều hành động cản trở VN thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông. Trực tiếp và gián tiếp, nước này đã gây áp lực lên các công ty nước ngoài muốn làm ăn với VN tại đây như BP hay ExxonMobil. Tuy nhiên đây là lần đầu tàu Trung Quốc vào sâu và có hành động mạnh bạo như vậy trong vùng biển VN tuyên bố chủ quyền.
Hãng tin Reuters dẫn lời người Phát ngôn Bộ Ngoại giao VN khẳng định, hành động của tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và các đối tác”.
Đăng Thúy (tổng hợp)