Ngày đó giá cơm bụi sinh viên so với bây giờ rẻ lắm, một suất chỉ từ 800 đến 1.000 đồng, nhưng ăn ở nhà ăn của trường mới thực sự là rẻ, chỉ 500 đồng. Tất nhiên với giá đó thì ăn no còn khó chứ bảo đã đủ chất để học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật sẽ là điều không tưởng.
Chính vì ăn ở nhà ăn của trường rẻ hơn nên nơi đây được chúng tôi ưu tiên mua vé ăn nhiều nhất (các quán cơm bụi khác xung quanh tuy không bán vé nhưng cũng có thể gửi tiền cả tháng ở đó rồi ăn trừ dần).
Đến bữa ăn thì mỗi thằng nhét vào túi quần 1 đến 2 vé, một vé để ăn chính còn vé kia để nếu vẫn đói hoặc quá thèm một món gì thì dùng để mua thêm thức ăn.
Cơm sinh viên ở nhà ăn của trường thì thức ăn luôn có hai món sở trường là rau và thịt. Rau mùa hè thì chủ yếu là muống, mùa đông bắp cải, luộc hoặc xào cứ thế mà đổi kiểu. Món thịt luộc luôn làm chúng tôi nhớ mãi, vì nó được bán tính miếng nên được thái rất mỏng, mỏng đến độ nếu dán nó lên một tờ báo thì hoàn toàn có thể đọc được chữ bên dưới miếng thịt.
Chuyện kể rằng một lần trên tầng 2 nhà ăn có một sinh viên nọ vừa mua đĩa thịt luộc, đang đi thì vấp ngã, đĩa thịt rơi xuống cầu thang, đã nghe choang một cái vì tiếng đĩa vỡ, tiếc của anh chàng sinh viên chạy xuống tầng 1 để nhặt thì kỳ lạ và may mắn thay, những miếng thịt vẫn chưa đáp đất, chúng quá mỏng, bị cản gió nên rơi rất chậm. Chuyện này tất nhiên là hư cấu để nói về độ mỏng của miếng thịt chứ đời nào chúng tôi chịu đánh rơi, cả một đống li-pít và pờ-rô-tê-in cơ mà.
Thường thì các món được chia suất bày sẵn la liệt trên các đĩa nhỏ, mấy thằng láu cá chúng tôi thi thoảng để ý thấy các cô cấp dưỡng lơ là cảnh giác thì lập tức chơi trò nhanh tay nhanh mắt. Một thằng đứng mua, vài thằng đứng sẵn chờ bưng bê. Thằng mua đưa vé ăn rồi dõng dạc:
- Cô ơi bán cháu đĩa rau!
Miệng nói là rau nhưng tay bê ngay đĩa thịt tuồn cho những thằng đứng sau. Nhà ăn giờ ăn khá đông nên các cô cấp dưỡng thường bị chúng tôi làm ảo thuật. Tất nhiên cũng có lần do kỹ năng trình diễn một thằng nào đó quá vụng về bị lộ vở thì đành giả bộ thật thà như đếm... sai mà nhận lỗi nhầm lẫn. Thường thì các cô cấp dưỡng cũng tha cho vì thương các cháu sinh viên học nhiều đâm ra... đãng trí!
Món canh trong nhà ăn cũng có thể coi là trứ danh, nó thường lõng bõng vài hạt mỡ trên mặt và hiếm thấy rau bên dưới nên nhẹ thì được gọi là “canh không người lái”, lãng mạn hơn tí thì gọi là “Âu sầu canh” tức “canh đại dương”.