Trên con đường vào thôn Đào Xá, xã Đào Dương (Ân Thi, Hưng Yên), hỏi gia đình chị Hoàng Thị Thuỷ, ai cũng biết. Chị nổi tiếng vì nghèo và nổi tiếng bởi con học giỏi. Con trai lớn của chị - cháu Dương Mạnh Huy, đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Y Hà Nội.
Chỗ nương tựa của hộ nghèo
Chị Hoàng Thị Thuỷ (phải) giới thiệu với khách về thành tích học tập của con trai. |
Trong ngôi nhà đơn sơ, vật quý nhất chị Thuỷ cất giữ rất cẩn thận là cái túi đựng giấy khen, bằng khen, giải thưởng của 2 cậu con trai, trong đó nhiều nhất là của Huy.
Bước vào giảng đường đại học, Huy là một trong những sinh viên được vinh danh là Hoa Trạng nguyên, được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. “Tôi đã thề với lòng mình, bằng giá nào cũng phải cho cháu ăn học thành người. Cũng may, mỗi tháng cháu được Nhà nước cho vay hơn 900.000 đồng. Gánh nặng nuôi con ăn học của tôi đã vơi đi rất nhiều” - chị Thuỷ thổ lộ.
Năm 2005, chồng chị Thủy mất trong một tai nạn thương tâm, khi Huy mới học lớp 8, cháu trai thứ 2 mới bước vào lớp 1. Chị Chu Thị Phương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đào Dương chia sẻ: “Các con của chị Thuỷ rất xứng đáng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Ai cũng hiểu chính sách cho con em hộ nghèo vay vốn đi học qua sự nổi tiếng của gia đình chị Thuỷ”.
Hưng Yên nổi tiếng là đất hiếu học. Ông Hà Tố Lai - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: “Cho vay vốn ưu đãi để học tập chính là tạo sự công bằng cho con em hộ nghèo, gia đình chính sách trong tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp, góp phần hình thành nguồn nhân lực cho phát triển đất nước...”.
Trách nhiệm sau quyền lợi
Theo quy định, khi HS-SV ra trường, sau 1 năm ân hạn, hộ vay vốn mới bắt đầu trả dần nợ gốc. Nhưng tuy chưa đến kỳ hạn, nhiều hộ vay vốn ở Hưng Yên đã chủ động trả nợ gốc.
Vào thăm gia đình vợ chồng anh chị Đào Thị Hoa-Nguyễn Văn Khoa ở thôn Đào Xá (Ân Thi), chúng tôi được biết, anh chị vừa trả 16 triệu đồng tiền vay cho cháu lớn là Nguyễn Thị Phương học đại học.
Cháu Phương đã ra trường và đi làm. Anh Khoa chia sẻ: “Cháu mới đi làm cũng gọi là có thu nhập, bố mẹ bớt được một khoản chi. Tiền trả ngân hàng là vợ chồng tôi mới bán mấy lứa lợn. Cũng may, năm nay giá lợn hơi cao, người chăn nuôi có đồng tiết kiệm...”.
Chị Hoa góp vào: “Các bác cứ yên tâm, gì chứ khoản cho vay học tập là chúng em cứ phải lo trả để Nhà nước còn cho hộ khác vay. Vốn Nhà nước cho con em ND vay học tập ngoài chuyện vay - trả còn là cái tình nghĩa. Hộ nào được vay vốn cho con em đi học đều nghĩ thế cả...”.
Không chỉ các hộ nghèo, gia đình chính sách đề cao ý nghĩa của chương trình cho vay HS-SV, mà các cấp, các ngành đều quan tâm chỉ đạo. Bà Nguyễn Thị Liên-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Hưng Yên cho biết: “Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ngân hàng CSXH phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể nhận uỷ thác và nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền về quy định thu lãi, thu nợ gốc; đồng thời thực hiện thu lãi, nợ gốc đối với các trường hợp hộ vay có điều kiện tự nguyện trả trước hạn. Tại các buổi giao dịch ở xã, Ngân hàng thông báo biết số nợ đến hạn trước 1 tháng để các hộ chủ động...”.
Phương Đông