Trước hết, thịt bò xắt miếng mỏng theo thớ thịt nằm ngang (để thịt không bị dai). Ướp gia vị (50 gram đường + 1 muỗng cà phê bột ngọt) để ngấm khoảng 15 phút. Củ hành tây xắt miếng mỏng ngâm nước đá. Gừng xắt sợi. Khổ qua + củ cải đỏ xắt miếng trụng nước sôi lấy ra ngâm nước đá cho giòn để sẵn ra dĩa.
Kế đến, chuẩn bị chế biến phần nước sốt me và nước giấm. Đây là 2 yếu tố quan trọng, định đoạt chất lượng món ăn. Nước sốt me phải theo một tỉ lệ (100 gram nước me sền sệt + ½ muỗng canh muối bọt + 1muỗng canh nước mắm + 50 gram đường cát). Nước giấm theo tỉ lệ (1/2 lít giấm + 200 gram đường cát + 1 muỗng canh muối bọt ). Cuối cùng, cho thịt bò (đã ướp sẵn) vào trụng với nước giấm. Vớt thịt bò ra cho vào thau trộn đều với các nguyên liệu khác (đã sơ chế) như: củ hành tây, củ cải đỏ, khổ qua, gừng xắt sợi và hành phi, dọn ra dĩa trên có trang trí vài cọng rau húng lủi và làm thêm chén muối tiêu chanh là xong!.
Còn gì thích thú bằng trong một buổi tối nơi biên ải, sương núi la đà gây gây lạnh, “4 chiến hữu” chúng tôi vào một quán vắng ven đường thưởng thức món bò tái me miền Tây thơm lừng hấp dẫn!. Gắp miếng bò tái me cùng miếng khổ qua, miếng gừng, miếng hành tây chấm vào chén muối tiêu chanh đưa lên miệng nhai chậm rãi…
Vị chua, ngọt, dai dai của thịt bò, của me; giòn giòn, nhân nhẩn của khổ qua; hăng nồng của hành tây; cay cay, thơm thơm của gừng,... như lan tỏa mọi giác quan... Đưa cốc “đế” lên môi đánh “trót” một cái để trung hòa hương vị, ai nấy nghe như tê tê nơi đầu môi, thật sảng khoái, khiến cho buổi họp mặt “đệ tứ anh hào” càng thêm rôm rả, và trong lòng các “lữ khách” chắc hẳn sẽ luyến nhớ mãi món ăn nơi này!...